Thực sự thì nhà sản xuất làm gì?

Chào các anh chị và các bạn trong nhóm. Hôm nay Tuân xin được tiếp nối vấn đề được gợi ra từ bài trước là công việc của nhà sản xuất. Tuy nhiên, trước khi đi vào thì ta có thể tạm gác lại một chút để bước vào bộ phận sản xuất. Facebook: Tuan Do

‘Ai làm gì?’ có thể là một câu hỏi quen thuộc, kể cả với những người đã ở trong ngành một thời gian, nhất là ở một số vị trí trong bộ phận sản xuất. Trách nhiệm công việc được quy định cho các thành viên của bộ phận này sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào tài chính, lịch sản xuất, địa điểm, ngân sách dự án.

Và sau đây là những vị trí nòng cốt:

  • Producers
  • Director
  • Unit Production Manager
  • First Assistant Director
  • Production Accountant
  • Production Supervisor
  • Production Coordinator
  • Second Assistant Director

Trong nhóm có cụm từ ‘các nhà sản xuất’ này thì ở post trước ta đã sơ lược vị trí quan trọng nhất là nhà sản xuất. Giờ ta soi nốt phần còn lại (vị trí đạo diễn không nằm trong phân tích dưới đây).

Executive Producer

Executive Producer: nhà sản xuất điều hành, có thể hình dung đơn giản nhất, là người mang tiền về cho dự án. Tuy vậy, tuỳ vào vị thế của họ thì tính chất và mức độ tham gia vào dự án sẽ khác nhau. Nếu người này là người của hãng phim (studio) (đại diện hoặc giám đốc điều hành) thì họ sẽ là nhà đầu tư, đơn vị bỏ vốn sản xuất, sở hữu các quyền đối với kịch bản phim. Vì thế, quyền lực của họ lớn hơn cả nhà sản xuất bởi họ là người giám sát một hoặc nhiều nhà sản xuất trong việc thực hiện công việc của những nhà sản xuất này trên một hoặc nhiều sản phẩm. Còn trong trường hợp họ (nhà sản xuất điều hành) không làm việc cho hãng (studio) thì tính chất giám sát sẽ không nhiều như khi họ làm cho hãng, và sự tham gia của họ ở khía cạnh tài chính sẽ là chủ yếu, là người kiếm tiền về cho dự án, và trong một số trường hợp, đây có thể là nguồn tiền chính của phim.

Nhiều người vẫn coi đây là vị trí mua được, miễn là họ có tiền đổ vào. Tuy nhiên, điều này sẽ không thường xuyên trừ khi họ có rất nhiều tiền để có thể liên tục đổ vào cho các dự án phim khác nhau. Trong khi đó, một nhà sản xuất đồng điều hành (Co-executive Producer) phần lớn là những người mới bước vào vị trí này, người đưa dự án của họ cho nhà sản xuất điều hành để dự án có cơ hội được thực hiện và để anh/cô ấy, có thể học hỏi thêm từ người đồng nghiệp. Nhà sản xuất điều hành cũng có thể là một nhà sản xuất có tiếng tăm, người cho mượn tên (và uy tín) của mình cho một dự án của một nhà sản xuất trẻ, mới vào nghề, để người này có thể thực hiện phim của anh ta. Hoặc, người này cũng có thể là một nhà sản xuất mới vào nghề được một hãng phim (studio) thuê để giám sát việc sản xuất phim theo yêu cầu của hãng.

Một nhà sản xuất điều hành thường làm việc ở một tầm cao. Họ có thể là nhà sản xuất đã huy động được một tỷ lệ đáng kể tài chính của phim hoặc đảm bảo các quyền cơ bản để là chủ dự án đó. Trong các nền công nghiệp điện ảnh lớn, họ là người làm việc ở cấp độ toàn cầu, trong tay họ có quyền lực, quyền lực này có thể được thể hiện trong nhiều quá trình, hơn cả vị thế giám sát thường lệ, như đối với việc lựa chọn diễn viên, ngôi sao, đàm phán với các nhà sản xuất, bản dựng cuối cùng của phim …

Associate Producer

Associate Producer: nhà sản xuất liên kết, người mà thường được coi là chức danh mang tính hình thức, bởi người này có thể là bạn của một người có vị trí cao trong đoàn phim (nhà sản xuất điều hành, đạo diễn …) hoặc ngôi sao (diễn viên, khách mời/camel …), hoặc là người mà nhà sản nợ ân huệ nào đó. Tuy nhiên, ở phần lớn đóng góp thì nhà sản xuất liên kết tạo ra giá trị phi tiền bạc, anh ta có thể có các mối quan hệ có thể giúp dự án tiết kiệm tiền.

Ví dụ, họ có thể là một phần của cuộc đàm phán giữa nhà sản xuất với các đối tác, nhà cung cấp; hay, họ có thể giới thiệu và mời được diễn viên, ngôi sao, khách mời đặc biệt, hay xin được hỗ trợ miễn phí về bối cảnh, đạo cụ, phục trang … Dù chỉ góp công vào việc đưa tên một ngôi sao, một diễn viên có tên tuổi vào trong dự án cũng đủ để họ có thể nhận tên của mình ở vị trí này trên credit. Hoặc đơn giản, nếu một ai đó cho bạn sử dụng miễn phí một bối cảnh có giá trị, bạn có thể đổi lại cho người đó một vị trí này trên credit. Đôi khi, thật khó nhìn thấy sự khác biệt giữa một nhà sản xuất liên kết với một đồng sản xuất, vì ở một chừng mực nào đó, hai vị trí này mang tính … ngoại giao.

Co-producer

Co-producer: đồng sản xuất, có thể là một vị trí khác cho vị trí Line Producer trên credit. Điều này (có phần tương tự như với nhà sản xuất đồng điều hành) thể hiện đó là một nhà sản xuất còn non trẻ, lần đầu hoặc thứ hai tham gia vào sản xuất phim, phải giảm mức độ ảnh hưởng của mình thể hiện qua credit và chia sẻ trách nhiệm với nhà sản xuất chính.

Ở một số trường hợp, người này có thể là đối tác kinh doanh hoặc người quản lý diễn viên chính, người đi kèm với một gói hoặc người bán quyền đối với tài sản để bắt đầu công việc một nhà sản xuất phim dù trước đó họ có thể chưa bao giờ làm.

Ngoài ra, chức danh này cũng có thể trao cho bất kì thành viên quan trọng nào trong đoàn (ví dụ như Nhà thiết kế sản xuất, trưởng bộ phận hoặc một tài năng nào đó), người không thể trực tiếp sản xuất dự án, nhưng là công cụ tài trợ cho dự án thông qua sự tham gia, thiết bị của họ hoặc dịch vụ được cung cấp.

Co-producer

Co-producer: nhà sản xuất hàng dưới. Không dễ để có sự chuyển ngữ tương thích cho vị trí này. Nhưng có thể hiểu hơn khi ta đặt ra câu hỏi tại sao lại có chữ ‘Line’ ở đây? Sở dĩ gọi vậy bởi có hai phần chi phí trong dự án, một là ‘Above the line’ để chỉ các chi phí cho nhóm sáng tạo (biên kịch, nhà sản xuất, đạo diễn, cast …) trong giai đoạn phát triển dự án và phần phía dưới ‘Below the line’ cho các chi phí còn lại, từ khi dự án bắt đầu bước vào giai đoạn tiền kì. Nên người này được gọi là Line Producer vì chỉ có thể bắt đầu công việc khi chi phí của nhóm Above the line, tức ‘dòng’ nằm giữa chi phí ‘trên dòng’ (Above the line) được xác định.

Đây là cánh tay phải của nhà sản xuất, chịu trách nhiệm lập kế hoạch ngân sách, giám sát và vận hành các yếu tố hành chính, tài chính và kĩ thuật của dự án theo đúng lịch quay và ngân sách đã có. Vị trí này có thể giao cho một nhà sản xuất mới tập sự trong dự án đầu tiên của anh/cô ấy. Một số công việc của họ cũng là công việc của PM hay UPM và trong một số dự án lớn thì PM hay UPM sẽ san sẻ công việc với họ. Với các dự án nhỏ thì nhà sản xuất thường sẽ kiêm luôn vị trí này.

Post Production Producer

Post Production Producer: nhà sản xuất hậu kì. Với những hiểu biết về mặt kĩ thuật và chu trình trong việc làm hậu kì, người này sẽ chịu trách nhiệm và giám sát để bản dựng cuối được hoàn thành đúng thời hạn với tiêu chuẩn kĩ thuật, chất lượng đã được định hướng trước. Trước đây, vị trí này thường xuất hiện trên credit như là một nhà sản xuất liên kết (Associate Producer) hay giám sát sản xuất hậu kì (Post Production Supervisor) và cũng chỉ xuất hiện gần đây.

Production Manager (PM) hay Unit Production Manager (UPM)

Production Manager (PM) hay Unit Production Manager (UPM): quản lý sản xuất (ở Việt Nam thường gọi là chủ nhiệm), cánh tay trái của nhà sản xuất, hỗ trợ cho Line Producer các phần việc liên quan tới kinh phí, lịch quay, tổ chức nhân sự, thiết bị và làm việc với các nhà cung cấp. Người này làm việc như một người khắc phục sự cố và giải quyết vấn đề (nhất là các vấn đề liên quan tới tài chính), một người có khả năng đàm phán giỏi và hiểu thấu đáo quy trình sản xuất để có thể đáp ứng yêu cầu áp lực liên tục phải kiểm soát và/hoặc cắt giảm chi phí. Người này nắm rõ dòng tiền, chi tiêu và báo cáo thường xuyên cho nhà sản xuất và Line Producer.

First Assistant Director

First Assistant Director: Trợ lí đạo diễn thứ nhất (ở Việt Nam thường gọi là phó đạo diễn) là cánh tay phải của đạo diễn và là đầu mối liên lạc giữa đạo diễn với đoàn. Họ phối hợp với tổ sản xuất để đưa ra quyết định cuối cùng trong việc tiền kỳ, chuẩn bị và đưa ra lịch quay cuối cùng cũng như sắp xếp các sự cố (lịch bổ sung, thiết bị, hiệu quả đặc biệt, …), thiết lập lịch tiền kì của đạo diễn, giám sát việc khảo sát và lựa chọn bối cảnh, casting. Người này có quyền lực rất lớn trên set trong việc đảm bảo mọi thứ được vận hành mượt mà và đúng lịch quay.

Second Assistant Director

Second Assistant Director: Trợ lí đạo diễn thứ hai, người làm việc chặt chẽ với việc casting, các bối cảnh trong giai đoạn tiền kì, hỗ trợ trợ lí thứ nhất đảm bảo mọi thứ luôn sẵn sàng. Người này phụ trách lên lịch quay và chuẩn bị lịch quay mỗi ngày cũng như thời gian có mặt của các tổ, các thủ tục giấy tờ, chịu trách nhiệm về diễn viên, nhất là diễn viên chính, đảm bảo diễn viên luôn sẵn sàng trước mỗi cảnh quay.

Những vị trí sản xuất khác

Production Coordinator: Điều phối sản xuất, làm việc dưới quyền và hỗ trợ chính cho PM trong việc điều phối, tổ chức tất cả các công việc hậu cần như thuê thành viên ekip, diễn viên, thuê thiết bị, bối cảnh, làm việc với các nhà cung cấp, bảo hiểm, vận chuyển, chỗ ở, nhập cư …

Assistant to Producer: Trợ lí nhà sản xuất, người này là trợ lí riêng hỗ trợ tất cả các vấn đề mà nhà sản xuất cần.

Production Assistant: có trợ lí sản xuất làm các công việc giấy tờ ở văn phòng và trợ lí sản xuất hiện trường. Trong các dự án nhỏ thì sẽ không có sự phân biệt rạch ròi này. Trợ lí sản xuất tham gia một phần vào các việc giấy tờ, hỗ trợ các trợ lí đạo diễn trong việc kiểm soát diễn viên, bối cảnh …

Production Accountant: kế toán sản xuất là người quản lí tài chính, ngân sách quay, báo cáo tài chính và kế toán hàng ngày …của dự án.

Production Supervisor: người giám sát sản xuất không phải là một vị trí đã có trong truyền thống, nhưng ngày một trở nên phổ biến hơn. Người này là bước cao hơn của một của điều phối sản xuất nhưng không làm việc như một UPM. Khi mà Line Producer và UPM là một và giống nhau ở một số dự án, thì người này giúp xử lí các nhiệm vụ của người quản lý sản xuất (PM hoặc UPM).

Consulting Producer: nhà sản xuất tư vấn, thường là một cựu nhà sản xuất điều hành hoặc đồng sản xuất không còn làm việc trong một dự án cụ thể, họ thường hỗ trợ các biên kịch và nhà sản xuất về các lĩnh vực mà họ có nhiều kinh nghiệm.

Vậy, với những cộng sự trong bộ phận sản xuất như vậy rồi, thì thật ra nhà sản xuất làm gì?

P/S: xin được trích dẫn tấm hình của Trinh Trần, một nhà sản xuất điều hành gốc Việt quyền lực trong những dự án Avengers gần đây, các bạn có thể click vào link phía dưới, để thấy tên của chị.
https://www.imdb.com/name/nm2514395/?ref_=ttfc_fc_cr16

Nguồn Facebook: Tuan Do