Tài chính phim: Các nguồn hiện có?

Chào các anh chị và các bạn. Tiếp nối chủ đề về công việc của nhà sản xuất, hôm nay, mình xin được chia sẻ với các thành viên trong nhóm về các mô hình tài chính cho phim mà mình biết, một vấn đề rất gắn bó với các nhà sản xuất trong công việc của họ.

Hãng phim (studio)

Đây có thể coi là mô hình đầu tiên và lâu đời nhất. Nôm na là các hãng phim tự bỏ tiền ra để sản xuất phim. Sau này, nhiều hãng phim lớn (khi họ vừa là công ty sản xuất, vừa là nhà phát hành) dần chuyển sang tập trung vào phát hành và họ đầu tư vốn cho các dự án của các công ty sản xuất phim (production company, không phải studio) hoặc các nhà sản xuất tự do (mà ta cũng có thể gọi là độc lập). Hình thức này được gọi là đầu tư sản xuất (Negative pick-up).

Còn khi hãng có một thoả thuận trước về việc sẽ mua quyền phát hành phim của các công ty sản xuất thì đó là chỉ riêng cho phát hành (Distribution only), công ty sản xuất sẽ dùng thoả thuận này như một tài sản thế chấp để vay ngân hàng (đây là một hình thức nằm trong phần dưới, presale). Vì thế, việc hãng tự sản xuất phim (In-house) cũng không nhiều như trước.

Công ty sản xuất phim (production company)

Các công ty phát triển dự án từ đầu (hoặc cũng có thể nhận dự án của một nhà sản xuất tự do), họ bỏ vốn đầu tư cho dự án đó và đi tìm tài chính để sản xuất phim. Họ cũng có thể đồng sản xuất với một (vài) công ty sản xuất khác để có đủ kinh phí cho phim.

Đầu tư cổ phần (equity investments)

Mô hình mới trong nền kinh tế hiện đại, khi các nhà đầu tư (công ty, tập đoàn, hoặc cá nhân) góp vốn cho một dự án sản xuất phim thông qua cổ phần của họ.

Các nhà đầu tư cá nhân (private investors)

Hay tài trợ cá nhân (private funding): Các nhà làm phim có thể có thêm kinh phí cho dự án của mình thông qua các nhà đầu tư cá nhân mà họ có mối quan hệ. Nhà đầu tư cá nhân cũng có thể chính là một thành viên nào đó trong đoàn phim, như nhà sản xuất, đạo diễn, hay diễn viên, ngôi sao (trong trường hợp họ không phải là người sở hữu dự án). Ở hình thức này thì gia đình, những người bạn của nhà làm phim cũng là nguồn tài chính thường gặp, nhất là với các nhà làm phim độc lập.

Bán hàng trước (presale)

Các hãng, các công ty sản xuất sẽ mang dự án đi chào hàng và bán nó trước khi nó được hoàn thành (hay thành phim) ở trong nước lẫn quốc tế. Các hãng bán trước quyền phát hành phim cho các nhà phát hành trong nước cũng như các thị trường và vùng lãnh thổ. Có thể hình dung như một công ty phát hành Việt Nam gặp người của hãng ở một chợ phim nào đó và quyết định mua quyền phát hành cho một phim nào đó của hãng (sẽ được sản xuất sau) ở Việt Nam. Các công ty sản xuất cũng có thể bán trước phim cho các hãng (negative pick-up) và/hoặc bán quyền phát hành (distribution only) cho hãng thông qua một thoả thuận. Và họ sẽ dùng thoả thuận này như một tài sản thế chấp để vay tiền nhà băng hoặc người cho vay để có một khoản tiền nhất định trong hành trình tìm kiếm tài chính cho phim.

Các quỹ (Funds)

Đây là hình thức tìm kiếm tài chính cho phim của không ít nhà làm phim, nhất là đối với các nhà làm phim độc lập. Họ có thể xin được một khoản tiền thông qua các workshop, seminar, film lab, quỹ của các liên hoan phim.

Các ưu đãi và hỗ trợ sản xuất (incentives and production assistant)

Rất nhiều nước có các ưu đãi cũng như các chương trình hỗ trợ sản xuất phim nếu bạn mang dự án tới đó, không chỉ trong thời gian quay mà cả khi tiền kì. Chúng có thể là việc giảm giá tiền mặt, ưu đãi thuế, hỗ trợ về bối cảnh, nhà nghỉ, xăng dầu … Không ít nước muốn thúc đẩy du lịch cũng như phát triển kinh tế nên họ dành một khoản ngân sách nhất định cho các ưu đãi này để khuyến khích việc quay ở vùng hay đất nước họ. Bạn có thể tìm hiểu các hỗ trợ này qua cả các Uỷ ban phim (Film Commission) ở các nước nữa. ‘Nhắm mắt thấy mùa hè’, một phim độc lập từng quay ở Nhật và mình nghĩ rằng các nhà làm phim cũng đã nhận được hỗ trợ không nhỏ từ chính quyền địa phương.

Chính phủ

Với một số nước coi phim thuộc về tác phẩm nghệ thuật và hỗ trợ rất mạnh thì nhà làm phim nhận được không ít kinh phí từ nhiều nguồn. Ở Việt Nam, cũng một thời gian ngắn trước, hình thức nhà nước cấp vốn để sản xuất phim vẫn còn tồn tại cho các dự án phim thuộc về hãng phim nhà nước. Hiện giờ hình thức này vẫn còn nhưng áp dụng một cách hạn chế với các dự án có liên kết/hợp tác với một (vài) công ty sản xuất phim tư nhân. Nếu bạn có dự án phim nào ‘phù hợp’ với các tiêu chí của nhà nước, thì biết đâu đó, bạn sẽ có cơ hội.

Tài trợ quảng cáo (product placement)

Không ít thương hiệu phải chi một khoản tiền không nhỏ để thương hiệu hay sản phẩm của họ xuất hiện trên màn ảnh. Các nhà làm phim có thể có được một nguồn tài chính (đôi khi là bao gồm cả sản phẩm) nhất định một công ty nào đó nếu dự án phù hợp để họ tài trợ.

Crowdfunding

Một hình thức mới, dựa trên việc đóng góp/tài trợ/góp vốn của cộng đồng. Có rất nhiều phim ngắn có tiền để thực hiện thông qua cách này, còn với phim dài thì rất ít dự án kêu gọi thành công và có đủ tài chính mà chỉ dựa vào một hình thức này.

Tự đầu tư (self finance)

Để thực hiện được có lẽ nhà làm phim cần giàu có, hoặc ít nhất, có một số tiền không nhỏ để làm số vốn chính trong kinh phí của dự án. Bạn cũng có thể thế chấp tài sản có giá trị để vay ngân hàng.

Poster phim Following (1998) – Christopher Nolan


P/S: Xin được trích tấm poster Following, phim dài đầu tay tự đầu tư của đạo diễn Christopher Nolan để dẫn cho hình thức cuối cùng ngay phía trên, và tất nhiên, mình luôn mong các nhà làm phim có thể làm phim mà không phải tự đầu tư.

Bài chia sẻ từ Tuan Do trong group Filmmakers in Vietnam