Các loại camera hiện nay

Trước năm 2007, có sự phân định rất rõ giữa máy quay video. Hầu hết các máy quay đều sử dụng băng từ để ghi. Việc lựa chọn loại máy quay bị ràng buộc với một loại băng cụ thể. Chất lượng hình ảnh gần như là cố định ở một vài lựa chọn: VHS, miniDV, DV, Betacam, … 

Công nghệ số đã làm ranh giới này ngày càng mờ mịt đối với đa số người dùng nghiệp dư. Giờ, chúng ta gọi những thiết bị có khả năng ghi hình là camera. Việc ghi và lưu hình ảnh vào thẻ nhớ cũng giúp người dùng có nhiều lựa chọn hơn về định dạng và chất lượng ở trên cùng một camera. 

Cùng là camera, cùng có nhiều lựa chọn chất lượng ghi và cùng lưu trên các thiết bị lưu trữ số, song vẫn có sự khác nhau nhất định giữa các loại camera. Mỗi loại sẽ tạo ra chất lượng hình ảnh đầu cuối tối ưu với một môi trường nhất định.

Không phải lúc nào cũng có sự phân biệt rõ ràng giữa các loại camera, dưới đây là một số danh mục cơ bản hiện nay.

Smartphone

Điện thoại thông minh có lẽ là máy quay video tiện lợi nhất, dễ sử dụng nhất hiện nay. Nhiều smartphone có thể quay được hình ảnh có độ phân giải cao, ở nhiều tốc tộ khung hình khác nhau. iPhone 13 có thể ghi 4K ở 60 fps, 1080p ở 240 fps.

Đã có một số phim truyện được quay hoàn toàn bằng điện thoại thông minh. 

Ngoài các tính năng quay video được tích hợp trong hệ điều hành của điện thoại (iOS hoặc Android), bạn có thể mua các ứng dụng video chuyên dụng rẻ tiền, chẳng hạn như FiLMiC Pro, cung cấp cho bạn khả năng kiểm soát thủ công đối với focus, độ phơi sáng và các tính năng khác. 

Ngoài ra, bạn có thể trang bị thêm các phụ kiện như ống kính, micro, tay cầm gimbal để biến smartphone có được hiệu quả hình ảnh giống với máy ảnh truyền thống hơn.

Action Cams

Action cams là loại camera nhỏ, chắc chắn, chống nước và tự động hóa cao, có thể được gắn trên mũ bảo hiểm, trên xe đạp, bên trong hoặc bên ngoài ô tô. Các công ty GoPro, Sony, DJI và Insta360 hiện đang là những nhà cung cấp hàng đầu các loại action cams.

Action cams là thiết bị tuyệt vời để chụp thể thao, các hoạt động ngoài trời hay những góc quay khó mà camera khác không thể tiếp cận được. 

Action cams cũng dễ dàng tương thích với các thiết bị chống rung (stabilizer) và máy bay không người lái (drone). 

DSLRs & Mirrorless Cameras

Sự ra đời của máy ảnh phản xạ ống kính đơn (SLR) và kỹ thuật số đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nhiếp ảnh tĩnh. Khi Canon và Nikon bổ sung tính năng quay video vào các máy ảnh DSLR, nó đã tạo ra một cuộc cách mạng trong làm phim số bằng DSLR. Máy ảnh DSLR có gương phía sau ống kính, ánh sáng đi qua ống kính, chiếu vào gương để người dùng có thể nhìn thấy và điều chỉnh khung hình qua ống ngắm. Khi đã điều chỉnh xong bạn nhấp nút chụp/quay, gương sẽ bật ra cho ánh sáng đi qua màn trập đến bộ cảm biến để phơi sáng.

Mirrorless camera là dòng máy ảnh không gương lật – nghĩa là không có gương lật như DSLR mà sử dụng ống ngắm điện tử (giống như điện thoại) để ngắm và điều chỉnh khung hình. Loại bỏ gương giúp tạo ra một chiếc máy ảnh nhỏ hơn, nhẹ hơn nhiều và có thể gắn được nhiều loại ống kính hơn. 

Canon, Sony, Nikon, Panasonic và gần đây Fujifilm, Leica là những hãng sản xuất dẫn đầu dòng camera DSLRs & Mirrorless. Sự khác nhau cơ bản giữa các máy là kích thước của bộ cảm biến ảnh. Cảm biến full-frame có khả năng thu được chất lượng hình ảnh tốt hơn APS-C. Nhiều máy mirrorless hiện này cho phép ghi hình ở chất lượng RAW (Canon EOS R5 C ghi được RAW ở chất lượng 8K).

Các camera DSLRs & Mirrorless thường nhỏ, nhẹ nên dùng để quay video thường gặp khó khăn khi quay video: rung lắc khi di chuyển, không chắc chắn, khó gắn thêm mic thu âm ngoài, … Để khắc phục, người ta gắn chúng vào các giàn (rig), các lồng (cage) hoặc bộ ổn định (stabilizer).

Máy quay chuyên dụng

Máy quay chuyên dụng (profesional camcorder) là một phân khúc rất đa dạng và rộng lớn, trải dài từ giá vài nghìn USD đến giá hàng chục nghìn USD. Máy quay chuyên dụng được sử dụng bởi các công ty độc lập, studio, truyền hình, truyền thông và cả sinh viên. Các nhà sản xuất bao gồm Sony, Canon, Panasonic, Blackmagic Design và JVC. 

Máy quay chuyên nghiệp có nhiều kích cỡ và hình dạng (hệ số hình thức). Một số dành cho một số loại sản phẩm nhất định (như tin tức hoặc thể thao) hoặc phân khúc thị trường (như các nhà làm phim solo hoặc sản xuất với đội ngũ đáng kể). Một số camera như Canon C300 và Sony FS7 được thiết kế để vừa ghi hình ở chất lượng video thông thường, lại vừa ghi hình ở chất lượng cho rạp số (digital cinema) cho các dự án cao cấp hơn.

Digital Cinema Cameras

Máy quay phim rạp kỹ thuật số là một đẳng cấp hoàn toàn khác. Chúng được tạo ra để ghi được hình ảnh ở chất lượng cao nhất cho những án có chi phí lớn. Digial cinema thường được chon sử dụng cho các dự án phim truyện chiếu rạp, TVC quảng cáo và MV ca nhạc.

Các máy digital cinema có khả năng ghi hình định dạng RAW (hoặc ProRes, DNxHR) ở độ phân giải cao (6K, 8K), trong không gian màu rộng (Rec.2020), với nhiều tốc độ khung hình (24fps, 60fps, 120fps), và dynamic range rất lớn (15+ stops). 

Hiện ARRI, RED, Panavision, Blackmagic Design, Sony và Canon là những nhà cung cấp phân khúc camera cao cấp này.

Tạm kết

Khán giả chỉ quan tâm đến những gì họ nhìn thấy trên màn hình chứ không quan tâm bạn đã dùng loại camera nào. Nói như vậy để thấy, việc lựa chọn camera nào không chỉ phụ thuộc vào kinh phí, yêu cầu mà còn vào việc bạn sẽ phát hành nó ở đâu.