Những khó khăn của nhà sản xuất phim
Chào các anh chị và các bạn. Tiếp nối chủ đề về công việc của nhà sản xuất, hôm nay, Tuân xin được chia sẻ với các thành viên trong nhóm sơ lược những cản trở trên hành trình trở thành một nhà sản xuất theo góc nhìn của mình và đó là những thứ có thể coi là quan trọng bậc nhất.
Đầu tiên là kịch bản. Đây có thể coi là ngọn nguồn của mọi dự án, yếu tố nền tảng quyết định phần nhiều đến sự thành công của phim. Một câu chuyện hay, một kịch bản xuất sắc sẽ là tiền đề giúp một nhà sản xuất có thể thuyết phục được các tài năng tham gia dự án như đạo diễn, diễn viên, ngôi sao, các nhà đầu tư và giải quyết được những khó khăn khác trong quá trình thực hiện dự án. Tuy vậy, để có được một kịch bản như thế không hề dễ dàng. Các nhà sản xuất luôn đi tìm chúng như những người đãi cát tìm vàng, như những người cầm máy dò đi tìm kho báu. Cho dù nhà sản xuất có rất nhiều mối quan hệ, làm việc với nhiều người viết thì kịch bản hay vẫn là một thứ họ luôn khao khát. Và bạn, một nhà sản xuất cần có chìa khoá này trong tay mới mong mở được những cánh cửa khác đang chờ.
Tài chính luôn là một thách thức với bất kì lĩnh vực nào, nhất là với việc sản xuất phim vốn tốn kém, đắt đỏ. Trường hợp đó là một dự án có kinh phí cao, hẳn nhà làm phim cần thêm thời gian để tìm tài chính, nó có thể là một vài năm, hoặc cũng có thể, không bao giờ hoàn thành. Nhưng cũng có một giải pháp khác, nếu đạo diễn muốn thực hiện nó với cách làm độc lập, thì vấn đề kinh phí sẽ nhẹ bớt, phim sẽ được quay mà không nhất thiết phải đợi tới khi kiếm đủ như dự tính lúc đầu. Và ở vị thế của một nhà sản xuất, cho dù nó vốn đã là một dự án độc lập, thì bạn vẫn cần có những giải pháp về tài chính, hoặc thay đổi (về cách thức thực hiện, thể hiện, sửa kịch bản …) nhất định, để một dự án có thể thành hiện thực.
Mối quan hệ có một tầm quan trọng đặc biệt trong ngành sản xuất phim. Điều này vốn đã có ý nghĩa với mọi người nói chung, thì lại càng có tác động hơn với một nhà sản xuất. Nếu không có mối quan hệ rộng, nhà sản xuất khó có những nhà đầu tư tiềm năng (hay thiên thần), những đối tác lớn cho dự án, những người hỗ trợ về tiền bạc, mối quan hệ khác, những tài năng hay thành viên phù hợp với dự án … Vấn đề này cũng có chút nguyên nhân xuất phát từ bên trong, khi người làm phim đều mang cái tôi mạnh và họ thường giữ cái tôi của mình trong phạm vi nhất định. Bạn là người chưa được biết, vì thế, bạn nên là người cần biết những người khác và điều này chỉ có ích cho bạn, nhà sản xuất tương lai. Hãy mở rộng vòng liên hệ của mình ra, để nới rộng cơ hội của chính bạn và dự án phim bạn đang gây dựng.
Tư duy, hiểu biết tác động không nhỏ đến cách thức làm việc của một nhà sản xuất. Nếu bạn không coi sản xuất phim hay công việc của một nhà sản xuất phim là kinh doanh thì sẽ thật khó cho bạn ở dự án kế tiếp, dù dự án đầu hay thứ hai thiên về nghệ thuật hay độc lập đi nữa. Trong nền sản xuất phim, những vấn đề luôn xuất hiện và phát sinh không ngừng từ đầu cho tới khi kết thúc dự án, và ở đó, tư duy giải quyết vấn đề luôn là yếu tố cốt lõi, dẫn dắt một nhà sản xuất giải quyết những khó khăn để hướng dự án về phía trước. Cùng với nó, hiểu biết sẽ giúp tư duy của nhà sản xuất sáng tỏ, cất cánh, ngay cả trong những tình huống cụ thể.
Công việc của một nhà sản xuất đòi hỏi rất nhiều kĩ năng như kinh doanh, thuyết trình, đàm phán, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định, … Kĩ năng kinh doanh tốt không chỉ giúp nhà sản xuất mang về doanh thu hay lợi ích kinh tế cho dự án, mà cả những đánh giá về mặt thương hiệu, nhận diện tích cực cho phim. Nhà sản xuất với kĩ năng thuyết trình hay đàm phán không đủ tốt sẽ khó có thể thuyết phục được các đối tác, nhà đầu tư cũng như khó có thể có được những lợi thế trong các giao dịch của dự án. Nếu họ thiếu hay yếu ở khả năng đưa ra quyết định thì sẽ dẫn đến những trở ngại, thậm chí, khủng hoảng khi đối mặt với một vấn đề nào đó cần giải quyết.
P/S: Xin được trích tấm hình kịch bản gốc “Tonight, he comes” của biên kịch Vincent Ngo, một người gốc Việt đang làm việc tại Hollywood, trước khi nó được mua sau mười năm và sản xuất thành phim “Hancock” với tựa tiếng Việt là “Siêu nhân cái bang”, để dẫn cho khó khăn đầu tiên mà một nhà sản xuất cần vượt qua.
Bài chia sẻ của Tuan Do trong group Filmmakers in Vietnam.