6 lời khuyên của Kris Kachikis dành cho DP TRẻ
Kris Kachikis bắt đầu sự nghiệp bằng quay quảng cáo, giờ đây ông đã chuyển qua quay phim truyện dài kinh phí lớn. Ông là đạo diễn hình ảnh cho phim hài gia đình tên là Why Him? xếp loại R khán giả dưới 17 tuổi phải có người lớn đi kèm. Phim kể về người cha phát hiện con gái hẹn hò một triệu phú internet và dẫn đến việc hai người trở thành kỳ phùng địch thủ. Phim được kể theo lối hài thông minh lanh trí.
Khi No Film School hỏi Kachikis bằng cách nào một đạo diễn hình ảnh chưa được biết đến như ông có thể nhảy vọt từ quay quảng cáo lên quay phim truyện dài 40 triệu đô, ông đã tỏ ra hết sức khiêm tốn.
Kachikis khởi đầu là biên kịch. Hồi nhỏ ông làm phim cho vui, lớn lên chuyển đến California sống, ban ngày làm kỹ thuật viên điện đóm trên phim trường, ban đêm viết kịch bản. Ông nói Tôi luôn yêu thích quay phim nhưng tôi cứ coi mình là biên kịch cho đến khi tôi thấy mình hay bước đến đạo diễn hình ảnh đưa ra các câu hỏi và gợi ý. Và người ta thích những ý đó của tôi.
Rồi định mệnh bước vào cuộc. Kỳ đó đạo diễn Spike Jonze sắp làm video cho ca sỹ Julian Lennon. Lẽ ra là Lance Acord sẽ quay và tôi là kỹ thuật viên ánh sáng gaffer, nhưng cuối cùng Lance không tham gia được. Lance nói đưa tôi quay đi, thế là tôi quay và mọi chuyện hóa ra tốt đẹp. Rồi tôi quay mấy phim lướt ván cho Spike, và khi người ta biết tôi quay cho Spike, họ gọi tôi quay cho họ.
Thời còn quay quảng cáo, Kachikis quay cho những hãng lớn như Apple, Nike và Toyota. Ông cũng có thử nghiệm với phim ngắn; lần thử sức đầu tiên ở phim truyện dài là phim tâm lý xã hội tự do tham dự Sundance tên là American Son năm 2008. Sau đó Christopher Guest thích thú với phong cách hình ảnh của Kachikis nên đã mời ông quay Mascots, một bộ phim hư cấu mang phong cách tài liệu hay còn gọi là điện ảnh tài liệu (mockumentary) ngân sách 17 triệu chiếu trên Netflix.
Theo lời Kachikis thì đây là khúc chặt cua khá gắt, ông nói Quay phim hài khó hơn rất nhiều so với tâm lý xã hội vì tâm lý xã hội dựa vào hình ảnh đẹp còn phim hài cần tập trung vào diễn xuất. Nhưng ông đã làm tốt. Vai trò của ông trong Mascots đã gây ấn tượng cho Scott Robertson, một trợ lý đạo diễn thứ nhất có lý lịch rộng khắp Hollywood, người sau đó kết nối Kachikis với đạo diễn John Hamburg của Why Him?
Vị trợ lý đạo diễn này đã nói với Kachikis rằng Đây là dự án lớn. Tôi biết anh chưa từng làm gì lớn như vậy nhưng anh giỏi, anh nhanh, anh đã từng làm chéo nhiều thể loại khác nhau, điều này rất quan trọng cho phim hài, tôi sẽ tiến cử anh. Kachikis nói Và anh ta bảo tôi phải cố gắng hết sức để được làm dự án này. Và tôi đã được.
Trên tinh thần cố gắng hết sức này, Kachikis có sáu lời nhắn nhủ cho các nhà quay phim đạo diễn hình ảnh tương lai như sau.
1. Để ý học hỏi mọi chuyện bên ngoài cái máy quay
Thành thạo máy quay chỉ là một trong nhiều điều mà một đạo diễn hình ảnh cần. Và khởi đầu với vai trò trợ lý quay phim không phải là con đường duy nhất. Trợ lý quay phim thường bận rộn chuẩn bị máy quay, và khi cảnh quay diễn ra họ không biết chuyện gì đang diễn ra. Tôi mừng vì mình khởi đầu từ vai trò kỹ thuật viên ánh sáng, ông nói.
Không giống các trợ lý quay phim, các kỹ thuật viên ánh sáng là một phần của quá trình giải quyết sự cố. Họ làm việc với trợ lý sản xuất, chủ nhiệm sản xuất, với đạo diễn, và đặc biệt là với đạo diễn hình ảnh. Họ tham gia vào các cuộc thảo luận về cách nhìn cho bộ phim, họ có mặt ở đó thương lượng và thỏa hiệp các kiểu. Họ cũng thực hiện đủ mọi phương pháp chiếu sáng – phần chìm khuất mọi người thường ít biết đến so với máy quay hay ống kính.
Quan trọng là kỹ thuật viên ánh sáng hay kỹ thuật viên dụng cụ hỗ trợ được ở đó cùng với nhà sản xuất tính xem giải quyết vấn đề như thế nào, đẩy câu chuyện lên thế nào. Khi được ở trên phim trường, bạn sẽ học được tất cả những điều đó. Và đối với ông, chúng là vô giá.
2. Quay như người kể chuyện
Ai cũng có thể cầm máy quay đi theo quay người khác nhưng điều đó không có nghĩa bạn đang kể chuyện. Câu thần chú của ông là: Câu chuyện là tất cả. Story is king.
Bạn hỏi Tôi có muốn khởi đầu quay phim thay vì quay quảng cáo không ư? Có thể. Quay quảng cáo tốt ở chỗ bạn được thể nghiệm rất nhiều, mỗi tuần thử những điều khác nhau và học được rất nhiều, ông nói. Nhưng cho dù là như vậy, ông khuyên các nhà quay phim quảng cáo rằng hãy quay cái gì đó mang tính kể chuyện càng sớm càng tốt, phải lo làm câu chuyện.
Kachikis nói phần viết lách kể chuyện trong ông chưa bao giờ ngừng, ông chỉ đơn giản là chuyển qua kể chuyện bằng hình ảnh. Tại tiệc đóng máy của phim Why Him?, đạo diễn Hamburg đã phong Kachikis danh hiệu Đạo diễn hình ảnh ưa nói nhất vì ông có khuynh hướng đưa ra gợi ý cho thoại và cho câu chuyện giữa các cảnh quay.
Đối với ông, kể chuyện cần được luyện tập. Một cách khác để làm mấy chuyện kể chuyện này là học dựng. Khả năng biên tập phim của chính mình hoặc ít nhất suy nghĩ như một nhà biên tập là điều cốt yếu cho kỹ thuật kể chuyện bằng hình ảnh.
Thế bằng cách nào làm được như vậy mà không cần tốn nhiều năm làm biên tập? Kachikis gợi ý rằng hãy bắt đầu bằng ý tưởng phim ngắn, thứ gì đó có khả năng làm được trong điều kiện bạn hiện có, hãy quay phim siêu nhỏ 30 giây, 20 giây và tự dựng chúng. Bạn sẽ học được hàng đống thứ khi tự dựng phim của chính mình. Mọi thứ sẽ lòi ra hết khi bạn cắt dựng dữ liệu của chính mình. Và bạn dùng cái mình học được ấy áp dụng vào phim siêu ngắn 30 giây tiếp theo của mình. Tóm lại là cứ đi ra đường cầm theo cái máy quay rẻ tiền nào đó và quay.
3. Chuẩn bị kỹ và nhiều hơn thế
Kachikis nhấn mạnh Không bao giờ có chuyện chuẩn bị dư cả, chỉ có chuyện chuẩn bị thiếu thôi. Ông nói DP quảng cáo được đào tạo để suy nghĩ tại chỗ. Khi quay quảng cáo bạn có ít thời gian chuẩn bị. Một ngày coi bối cảnh, lập kế hoạch chiếu sáng, tập hợp máy quay, đèn và ray trượt các cái. Ngày hôm sau mang đến và quay. Mỗi phút đều dùng để quay.
Nhưng phim truyện dài không như vậy, bạn có ba đến bốn tháng chuẩn bị, không quay mà chỉ đi chọn bối cảnh. Mỗi phút trôi đi là chỉ để đưa ra quyết định. Bối cảnh nào là thuận lợi nhất cho thời gian quay mà không cần viết lại kịch bản hay thay đổi cách dựng cảnh. Cảnh nào là khó nhất, chỗ nào đáng làm chỗ quay thử, đèn nào sẽ giúp kể chuyện tốt hơn? Hãy hỏi những câu hỏi khó hơn nữa, ví dụ Sẽ có thể có những sự cố gì, có những giải pháp thay thế nào, ống kính hay thiết bị hỗ trợ thanh trượt nào có thể giúp dễ thở hơn khi có sự cố, vân vân. Chuẩn bị tốt như vậy thì khi quay ta chỉ quay thôi.
Ví dụ, bạn sẽ không ứng biến với ánh sáng vào ngày bạn quay bởi bạn phải đến bối cảnh trước và chơi đùa với ánh sáng, tức phải làm nhiều bài kiểm tra, thử nhiều thiết bị khác nhau, ghi chú lại, ghi nhớ mình đã làm gì, xem lại các kết quả.
Tất cả đó gọi là chuẩn bị. Càng thử nghiệm nhiều, bạn càng thấy vui thích và càng học được nhiều, đặc biệt là nguy cơ sẽ ít đi và áp lực khi quay sẽ giảm.
4. Truyền đạt cách nhìn bằng photoboarding
DP truyền đạt đúng cách nhìn của mình về bộ phim với các bộ phận. Mỗi DP có cách riêng. Với Kachikis, ông chọn cách dùng hình chụp minh họa (photoboarding). Với cả hai phim Mascots và Why Him? ông chụp hình toàn bộ từng cảnh mà ông muốn quay trong bối cảnh thật. Sắp xếp, ghi chú cận cảnh, trung cảnh vân vân, sau đó ông tải lên DropBox. Nhờ vậy bộ phận hiệu ứng sẽ biết cần bao nhiêu căn nhà xuất hiện trong cảnh đó, bộ phận phục trang sẽ thấy được tông màu chủ đạo vân vân. Hình chụp diễn đạt ngàn lời nói đến mỗi bộ phận. Và khi chính bạn nhìn vào đó bạn cũng sẽ thấy những chỗ cần sửa lại. Tại sao mình lại muốn quay trước cái bức tường lớn kia, phải đổi thôi. Tương tự như viết kịch bản, bước dò và viết lại mới thật sự là viết.
5. Chọn phong cách từ nội dung
Trong mọi cảnh quay của Kachikis, cách tiếp cận về mặt hình ảnh của ông được xác định bởi nội dung. Trong Why Him? Một bộ phim hài thuộc lối ứng khẩu, ông chọn cách tiếp cận hướng đến diễn viên và cách này yêu cầu kỹ thuật quay cũng như ánh sáng phải tự nhiên. Ông nói, Ngày trước phim hài được tính trước nhiều quá mang cái nhìn bằng phẳng tức mọi diễn biến đoán trước được hết. Giờ đây mọi người muốn mọi thứ thật hơn, họ không muốn thấy phim hài được quay trong phim trường, họ muốn các nhân vật phải gây cười bất ngờ.
Trong Why Him? ông không bao giờ phóng to hình ảnh trong cảnh quay, ông chỉ dùng ống kính phóng to khi thiết kế lại khung hình thay vì tốn thời gian đổi ống kính. Ông cũng dùng máy quay đeo người và máy quay cầm tay tùy vào tình huống và giọng điệu cảnh quay.
Ông rất khiêm tốn nhưng hoàn toàn hài lòng với thành quả lao động của mình. Ông nói, Thật ra tôi theo đuổi kiểu hình ảnh của phim tự do, theo phong cách Silver Linings Playbook hay bất kỳ phim nào của Woody Allen. Ông ta là quy chuẩn cho tôi noi theo, cái cách ông và các nhà quay phim của ông quay phim hài thì rất là đẹp và thật.
Thách thức lớn nhất trong Why Him là quay hai máy. Phim được viết theo lối thoại định sẵn và thoại ứng khẩu để ghi lại những khoảnh khắc không tính trước. Và để không khoảnh khắc nào bị bỏ sót, đoàn phim đã dùng cách phủ chéo (cross coverage) tức hai máy quay đặt hai phía nhân vật, nằm ngoài khung hình, quay từ hai hướng cùng lúc. Ông nói Tôi đã dùng cách này cho phim Mascots nhưng vẫn phải nói rằng khi bạn chiếu sáng để quay hai máy, việc khó nhất là sắp đặt thiết bị sao cho chúng không lọt vào khung hình. Quay một máy dễ hơn nhiều.
Để giải quyết vấn đề, ông quay bằng cảnh giả, có lẽ là hai phần ba các cảnh là quay cảnh giả. Ông cho dựng cảnh giả, lắp đèn, thật ra là đèn trần và đèn bàn, chủ yếu là để làm đèn mắt (eyelights) lẫn đèn xóa bóng (fills), làm có nhấn sáng và tối cho khung hình. Cả Bryan Cranston và James Franco đều là diễn viên chuyên nghiệp, họ luôn làm chính xác dù liên tục thay đổi thoại khiến đoàn phim có được nhiều cảnh quay dài đầy những khúc ứng khẩu hoàn hảo.
6. Linh hoạt
Đạo diễn John Hamburg của Why Him? đã nói một câu làm Kachikis nhớ mãi, ông nói Đây là kế hoạch làm việc cho đến khi chúng ta có thể làm mọi chuyện tốt hơn. Câu này nhấn mạnh tầm quan trọng của sự linh hoạt, dù có kế hoạch rồi vẫn có thể linh hoạt để mọi thứ tốt hơn.
Bộ phim toàn những người tài có cùng mục đích là tạo ra tác phẩm hài sâu sắc. Hamburg có cách nhìn của mình, Cranston và Franco cũng đã làm đạo diễn, bọn họ có tình yêu lớn dành cho hài ứng khẩu và nhiều ý tưởng cứ nảy ra, kịch bản cứ nở ra. Do vậy Kachikis đã không quyết định gì cho đến khi nghe hết ý kiến của mọi người. Nhiều khi đã bố trí xong, Bryan và James lại nảy ra ý mới, và nhiều ý của họ đã được sử dụng. Ông nói, sự kết hợp quả thật rất tuyệt, chúng tôi được cười rất nhiều. Keengan-Michael Key lúc nào cũng tếu, Bryan Cranston thì hóm hỉnh, Franco thì không hài chút nào cho đến khi máy chạy và rồi mấy thứ chết tiệt điên khùng cứ thế bật ra khỏi miệng anh. Điều tôi học được từ Why Him? là: Hãy là một phần của bộ phim, nương theo, linh hoạt và học trong lúc làm.
Bài viết của Dylan Dempsey trên nofilmschool.com Dịch bởi Thuy Anh