13 điều dân filmmAkers nghĩ nhưng hiếm khi làm!
Những bước này sẽ khiến quá trình sản xuất diễn ra thuận lợi và đưa bạn đến gần đẳng chuyên nghiệp hơn.
Suy nghĩ đầu tiên của những người mới làm phim hoặc những người mới nổi là tập trung vào các vấn đề kỹ thuật như quay bằng máy nào, dựng bằng phần mềm gì hoặc đăng ký tham dự giải thưởng gì. Những điều này quan trọng nhưng còn nhiều thứ khác quan trọng hơn phải có trước khi bấm máy cảnh đầu tiên. Sau đây là danh sách những vấn đề cần xem xét, tôi hy vọng chúng sẽ giúp biến bạn từ tay làm phim non xanh thành dày dạn kinh nghiệm.
13. Có khả năng kết thúc
Đừng làm phim nếu không có tài nguyên (thời gian, tiền bạc, nhân lực) để hoàn thành hoàn chỉnh. Lập dự toán kinh phí cẩn thận và đừng bắt đầu nếu không đủ tiền. Không gì làm nảy sinh cảm giác nặng nề cho diễn viên, nhân viên, người xuất vốn hơn một bộ phim không hoàn thành. Nghe như lời ông ngoại ông nội dạy (ý nói cổ lỗ) nhưng thật đấy. Nếu hy vọng có nhà phân phối hoặc có người bỏ vốn tốt như thiên thần giúp hoàn thành phim, bạn sẽ chờ cả đời. Nếu không có mọi thứ cần để hoàn thành công việc, bạn đối mặt với rủi ro hoặc không ai tham gia dự án hoặc họ bỏ ngang sau đó.
12. Có kế hoạch dự phòng
Nếu có đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm chịu thù lao ít, và nửa chừng một hai người bỏ sang chỗ khác thù lao cao hơn, bạn hãy sẵn sàng trám đầy chỗ khuyết này nhanh chóng bằng việc thảo luận kế hoạch dự phòng với nhóm người cốt cáng khâu tiền kỳ. Nhóm người cốt cáng sẽ biết cá nhân nào đủ năng lực có thể đôn lên hoặc sẽ gọi người trám chỗ nhanh nhất khi có người bỏ quay.
11. Phân cảnh hoặc chết
Dù kinh phí nhỏ to hay không kinh phí thì việc phân cảnh và danh sách các cảnh quay là tối quan trọng trong việc trao đổi thông tin giữa bạn và các trưởng bộ phận. Chúng cũng đảm bảo quá trình quay hiệu quả hơn, và quan trọng hơn là ngăn chặn thảm họa chậm trễ làm ngừng hoặc giết chết bộ phim. Chúng, theo quan điểm cá nhân tôi, là những thứ quan trọng nhất mà bạn có thể chuẩn bị để đảm bảo quá trình quay thành công. Diễn viên, đoàn phim, người bỏ vốn sẽ biết ai phụ trách gì dựa theo những gì bạn chuẩn bị. Thời gian là tiền và không bao giờ đủ thời gian đối với phim kinh phí thấp. Cách tốt nhất để có thêm thời gian là phân trước cảnh diễn (hoạt động của diễn viên) và phân trước cảnh máy (máy đứng và di chuyển chỗ nào.) Phân cảnh và sơ đồ sàn là hai thứ đơn giản nhất nhưng bị hiểu lầm và bị coi thường nhất ở khâu tiền kỳ. (Rảnh sẽ dịch danh sách phân cảnh mẫu và mẫu các giấy tờ chứng từ cần trong sản xuất phim.)
10. Bắt đầu dựng trước khi quay
Bàn với biên tập viên (người cắt dựng phim) trước khi quay, không gì dở cho bằng bàn chuyện dựng sau khi đã quay xong vì có muốn thêm cũng không được. Một biên tập viên giỏi nhìn vào sẽ biết danh sách phân cảnh và các biểu đồ thiếu gì, và sẽ nhắc thêm một số cảnh chèn (insert shots–là một phần của cảnh quay chính (master shot) nhưng ở góc khác hoặc có độ dài tiêu cự khác) hoặc thêm cảnh đầu màn (establishing shots–là cảnh đầu tiên của một màn mới cho khán giả biết tình tiết phim đang diễn ra ở đâu) do cho máy quay bay lấy trên cao để dành dùng sau này. Kỹ thuật biên tập được dùng để nhận ra những gì có thể trám đầy các khoảng hở. Tôi tận dụng kỹ thuật dựng của mình trong giai đoạn tiền kỳ cho mọi phim mình làm và lần nào cũng không uổng công. Loại biên tập viên bạn cần là những người vui vẻ dành tặng thời gian của họ cho việc biên tập tiền kỳ để tránh thiếu sót muộn màng khi thật sự bắt tay cắt phim.
9. Trân trọng thành viên đoàn và thể hiện điều đó
Cách tốt nhất là cho ăn ngon, chất lượng cao. Dù ít hay không có kinh phí, các thành viên sẽ làm việc cật lực cho bạn nếu bạn thể hiện lòng cảm kích theo cách thiết thực này.
Cách nữa là cho họ cơ hội cọ xát. Nhiều thành viên đoàn có khả năng làm nhiều hơn những việc họ thường làm, chỉ là không có cơ hội thể hiện. Nhiều người sẵn lòng chuyển lên vị trí cao hơn mà không yêu cầu tăng lương, họ cần danh xưng lận lưng.
Và đừng quên cảm ơn đoàn mọi lúc có thể. Không có họ là không có phim. Cha tôi thường nói “Hãy làm việc với ai đó như thể ta sẽ lại làm với họ nữa.” Đối xử với đoàn như thể bạn muốn họ lại làm với bạn lần sau.
8. Hoàn toàn cởi mở đón nhận ý kiến đóng góp
Nghe đơn giản nhưng không “đang giỡn”. Điều này áp dụng trước, trong và sau công đoạn quay (principal photography.) Ý kiến thêm vào sớm sẽ giúp ích toàn bộ quá trình. Hãy kêu gọi ý kiến đóng góp, nếu là ý tưởng tốt kiểu gì bạn cũng là người hưởng công. Thật đấy. Nghe và xem xem những người chủ chốt, nhà sản xuất nói gì. Lắng nghe không phải là biểu hiện của sự yếu thế yếu kém, lắng nghe là biểu hiện của sức mạnh khiến phim tốt hơn. Nếu cởi mở đón nhận ý kiến đóng góp, mọi người thấy thoải mái khi góp ý và điều tuyệt vời xảy ra. Điều này liên quan đến ý tiếp theo…
7. Đừng nghe lời vớ vẩn của bất kỳ ai trên phim trường
Bạn sẽ làm việc với những người biết rành về cái họ làm và có lẽ về cái bạn đang làm. Tốt thôi. Nhưng nếu mới làm đạo diễn và bạn không nhanh chóng vào vị trí, thành viên đoàn sẽ thử lửa bạn. Cách thẳng thắn nhất thể hiện rằng bạn là người chỉ huy, và rằng bạn đáng là người dẫn đầu trận chiến làm phim này, là hãy chuẩn bị kỹ và quyết đoán.
Một mặt bạn phải lắng nghe và xem xét các gợi ý như nói trên. Mặt khác nếu ai đó nói kiểu “Tôi sẽ làm thế này và anh/chị phải cám ơn tôi cho mà xem,” nhất là sau khi bạn đã hướng dẫn họ, đó là lúc bạn phải thể hiện vai trò đạo diễn của mình. Hãy là núi cao, sư tử, là người lãnh đạo. Nếu họ không muốn làm theo lời bạn yêu cầu, hãy cho họ biết đó là cách của bạn, họ không làm theo thì nghỉ. Sẽ không gặp lại vấn đề này nếu thành viên đoàn nhìn thấy cách bạn xử lý mạnh mẽ. Nhưng nhớ, mạnh mẽ và quyết đoán không có nghĩa là xấu tính.
6. Thuê dịch vụ pháp lý
Sao nhiều nhà làm phim cứ nghĩ dịch vụ pháp lý là đắt tiền nhỉ? Ta thường hiểu sai rằng dịch vụ pháp lý không quan trọng bằng những hạng mục ngân sách khác. Nhưng việc không có hội đồng pháp lý có thể gây nhiều tốn kém về sau. Phí luật sư là khoản đầu tư quan trọng cần có. Dù người bạn luật sư bất động sản sẵn lòng soạn giúp hợp đồng các loại, bạn cũng nên thuê một luật sư thực thụ ngành giải trí kiểm tra lại giấy tờ người bạn ấy soạn. Thiếu một chi tiết nhỏ cũng đủ gây rắc rối cho việc thương thuyết phát hành sau này và khi đó không tiền nào cứu nổi.
5. Mua bảo hiểm
Trách nhiệm của người làm phim là bảo vệ đoàn phim và địa điểm hết sức có thể. Một trong những điều đầu tiên tôi nghe người làm phim kinh phí thấp nói, là họ không đủ tiền mua bảo hiểm. Nếu không đủ tiền mua bảo hiểm bạn không có chỗ trong ngành làm phim. Không nhiều tiền làm phim cũng không hợp lý khi không bảo hiểm cho sức khỏe của những người tin vào bạn và vào tầm nhìn của bạn, và đang làm việc không công mà chẳng được phòng bị gì. Làm “nghệ thuật” không có nghĩa là có quyền thiếu tôn trọng sự an nguy của những người giúp mình. Nếu bạn không nghĩ vậy hãy làm ngành khác. Nếu có người trượt chân vỡ mắt cá trên trường quay nghỉ làm nhiều tháng, bạn có trách nhiệm chăm lo cho họ. Đơn giản thế thôi, tôi nói điều này vì nhiều người thường bỏ qua nó.
4. Lớn hơn không hẳn tốt hơn
Đoàn phim quy mô nhỏ là tốt. Có nhiều lý do về mặt kinh tế để giữ đoàn quy mô nhỏ: chi phí lương ít, tốn ít thức ăn, nếu quay xa chỗ nghỉ ngơi cũng nhỏ, vân vân. Còn hai lý do khác cho thấy đoàn nhỏ đi xa và nhanh hơn. Một là, nếu người nào cũng chạy lăng xăng lo việc, không khí sẽ hào hứng hơn. Không được uể oải, ai ngồi nhiều sẽ tự thấy mình không góp sức cùng mọi người tiến lên. Hai là, khi này ai cũng quan trọng như nhau vì không ai có thể lười biếng để người khác làm thay mình. Hãy nhớ, đoàn nhỏ làm việc lớn.
3. “Không phải bây giờ” không phải là có thể, mà là không bao giờ
Tôi đã rút ra một trong những bài học lớn khi đi gọi vốn cho dự án phim Along for the Ride của mình. Tôi cùng nhà sản xuất dày dạn gặp với công ty sản xuất mà chúng tôi muốn hợp tác. Trong cuộc gặp, họ nhiệt tình, họ quan tâm, và khen nhiều. Cuối buổi gặp, họ nói rằng thời điểm này họ không có ngân sách nhàn rỗi vì mọi khoản đã được phân bổ, và rằng họ sẽ quay lại dự án sau sáu tháng. Tôi đã rất háo hức, sáu tháng tôi chờ được. Khi bước ra xe, nhà sản xuất thấy được sự hăng hái của tôi và nói “Từ chối là từ chối.” Tôi hỏi nghĩa là sao, và anh ấy đã giải thích đại khái rằng nếu ai đó thích dự án của bạn họ sẽ khóa bạn lại ngay, giữ không cho đi đâu hết. Nếu không thích, họ sẽ nói điều gì đó nghe lịch sự và không bao giờ từ chối thẳng. Ở Hollywood rất hiếm khi người ta từ chối thẳng, họ không muốn làm bạn giận. Vì vậy, không đồng ý ngay nghĩa là từ chối.
2. Không có cách thức cụ thể
Làm phim là vậy. Nhiều nhà làm phim chưa từng qua trường lớp, nhiều nhà làm phim làm được phim lớn với không đồng ngân sách. Người ta sẽ bảo bạn đưa hay đừng đưa ngôi sao vào, viết lại kịch bản này nọ, bảo bạn quay phim ngắn minh họa cho phim dài hoặc đừng. Bảo bạn tham dự các cuộc thi, xin trợ cấp, nộp cho hội phim, vân vân. Họ nghĩ có công thức, bí quyết hay con đường cụ thể nào đó để ra phim. Không có. Càng nhận ra điều này sớm bạn càng làm phim sớm. Hãy làm những gì bạn cho là tốt nhất và ông tổ làm phim sẽ soi sáng cho bạn.
1. Định nghĩa thành công
Nếu tôi được phép khuyên chỉ một lời, đó sẽ là “hãy định nghĩa thành công.” Nếu bạn định nghĩa thành công là chỉ cần làm ra được bộ phim tốt nhất trong khả năng của mình, không là gì khác, thì đó là bạn đã thành công. Nếu bạn định nghĩa thành công là phải dự lễ hội phim Sundance, là được chọn bởi Lionsgate hay Sony, được công chiếu khắp, mang về nhiều tiền, thì nhiều khả năng bạn sẽ sớm thất vọng. Mà thất vọng quá khéo sẽ bỏ làm phim luôn. Làm nghệ thuật là không đảm bảo được gì chuyện tài chính. Nếu sống được như thế mới hãy làm nghệ thuật. Chỉ bạn thôi đã là thành công to lớn rồi.
Còn nhiều điều khác, nhưng nếu bắt đầu với 13 điều này, bạn sẽ đi đúng hướng trở thành một nghệ sỹ thành công.
Theo đạo diễn Bryan W. Simon
Thúy Anh dịch.