(iFilmmaking.net) Khi nói đến ánh sáng trong làm phim là chúng ta nói đến đèn chiếu sáng. Bất cứ một chiếc đèn chiếu sáng nào đều gồm 4 thuộc tính quan trọng có thể kiểm soát, gồm: cường độ, vị trí chiếu, kết cấu và màu sắc.
Cường độ sáng
Cường độ là thuộc tính dễ hiểu nhất, nó là mức độ sáng (brightness) của ánh sáng. Độ sáng phát ra từ một nguồn ánh sáng được đo bằng lumen. Hiện nay, trên bóng đèn gia dụng thường có ghi thông số lumen/ watt để người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn loại đèn cung cấp cường độ ánh sáng phù hợp với nhu cầu sử dụng. Lumens giúp chúng ta xác định được hiệu năng của một thiết bị chiếu sáng.
Trong sản xuất phim và video, người ta đo cường độ sáng bằng foot-candle. 1 foot-candle là lượng ánh sáng chiếu vào đối tượng từ một ngọn nến đặt cách xa 1 foot, 1 foot-candle bằng 1 lumen trên foot vuông (lm/ft2). Điều quan trọng cần nhớ là: phép đo này được thể hiện trên camera bằng f-stop. Người ta sử dụng đồng hồ đo sáng (light meter) để đọc foot-candle trên một đối tượng.
Chúng ta có thể điều chỉnh cường độ sáng theo nhiều cách khác nhau. Cách đơn giản nhất là thay đổi khoảng cách giữa đèn và đối tượng. Cách thứ hai là giảm dòng điện chạy vào thiết bị chiếu sáng. Cách thứ ba là dùng các tấm kim loại chặn bớt ánh sáng phát ra khỏi đèn.
Vị trí chiếu sáng
Vị trí chiếu sáng là chiều cao, nơi đặt thiết bị chiếu sáng (360 độ xung quanh chủ thể) hướng vào đối tượng cần chiếu. Vị trí chiếu sáng còn được gọi là hướng chiếu sáng hay góc chiếu sáng. Chúng thường được gọi với các tên như: sidelight (chiếu sáng bên), backlight (chiếu phía sau), top light (chiếu từ trên đỉnh), under light (chiếu từ dưới), …
Khi sản xuất tại hiện trường, ngoài hệ thống đèn chúng ta set-up, còn nhiều nguồn sáng khác có sẵn (practical lighting) có thể ảnh hưởng tới việc quay. Vì vậy, chúng ta sẽ cần phải kiểm soát (tắt, chặn, tận dụng) những ánh sáng này để có lợi nhất cho cảnh quay của mình.
Kết cấu của ánh sáng
Ánh sáng có kết cấu. Kết cấu của ánh sáng là nói đến chất lượng thô/cứng (hard) hay mềm/dịu (soft) của bóng mà nó tạo ra khi chiếu vào đối tượng. Trong làm phim/video, chúng ta sẽ phân ra hard light (ánh sáng cứng/thô) và soft light (ánh sáng mềm/dịu).
Ánh sáng từ mặt trời, từ một bóng đèn hay từ một ngọn nến được gọi là một điểm nguồn (point source) – có một điểm chính giữa phát ra ánh sáng – đều là hard light. Hard light sẽ tạo ra bóng đổ rất sắc nét khi chiếu vào đối tượng. Máy chiếu, đèn hải đăng hay đền trong nhà hát đều là các hard light. Trong sản xuất phim, đèn xenon là một nguồn rất sáng, thường được dùng để chiếu qua cửa sổ thay cho ánh sáng mặt trời.
Ánh sáng mềm/dịu sẽ tạo ra bóng đổ có viền không sắc, không rõ nét chiếu vào đối tượng. Soft light bao bọc xung quanh đối tượng một chút và lan một lượng nhỏ ánh sáng vào vùng bóng đổ. Nó làm mờ các nếp nhăn và tạo ra một cái nhìn nịnh mắt trên khuôn mặt người.
Chúng ta có thể dùng một tấm gel mờ đục để khuếch tán và làm thay đổi kết cấu của ánh sáng ở nhiều cấp độ khác nhau. Ngoài ra, ánh sáng thô/cứng chiếu vào bề mặt phẳng trắng cũng sẽ bị khuếch tán. Nói cách khác, chúng ta có thể biến ánh sáng thô/cứng thành ánh sáng mềm/dịu, (điều này cũng làm giảm cường độ sáng) nhưng không thể làm ngược lại – biến ánh sáng mềm/dịu trở nên thô/cứng hơn.
Màu của ánh sáng
Ánh sáng có màu sắc. Ba màu căn bản của ánh sáng là đỏ (red), lục (green) và lam (blue). Tất cả các màu khác đều có thể được tạo ra bằng cách kết hợp ba màu này. Khi ba màu ánh sáng này được trộn bằng nhau, chúng ta sẽ tạo ra ánh sáng trắng.
Chúng ta có thể điều chỉnh màu sắc của các nguồn sáng thông qua quá trình lọc – đặt các tấm gel lên phía trước đèn. Gel là các tấm lọc màu bằng vật liệu mỏng được chế tạo để chịu được cường độ nhiệt cao. Một số thiết bị chiếu sáng có khả năng tự thay đổi màu sắc.
Mỗi DPs và Gaffers đều cần nắm vững 4 thuộc tính quan trọng trên để sử dụng và kiểm soát ánh sáng trong từng bối cảnh được linh hoạt và sáng tạo.