Video color 101: Tìm Hiểu về color grading | Phần 1

(iFilmmaking) Color gradingcolor correction là hai thuật ngữ rất hay bị nhầm lẫn trong làm phim/video. Những chủ đề về chúng luôn luôn sôi động bởi những luồng ý kiến khác nhau, có khi đối lập nhau. Để rồi, nếu trong giai đoạn mới tìm hiểu về chỉnh màu, rất dễ xảy ra việc chúng ta sẽ có những nhận thức không thực sự đúng về bản chất của hai thuật ngữ này. Bản thân người viết bài này cũng đã từng hiểu sai dẫn đến những chia sẻ không đúng trên iFilmmaking trước đây. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu lại theo cách đúng đắn hơn.

Color grading/Color Timing

Trước khi làm phim kỹ thuật số ra đời và bùng nổ như bây giờ, làm phim nhựa là vô cùng tốn kém, vất vả và tốn thời gian. Các DP không có nhiều công cụ để kiểm tra exposure và màu trước, trong và ngay lúc bấm máy. Hình ảnh có đúng exposure hay không phần lớn là nhờ vào kinh nghiệm của nhà quay phim. Họ chỉ biết được vào ngày hôm sau sau khi các cuộn phim âm bản được xử lý qua máy in phim (film printer) rồi in thành phim dương bản để review (về bố cục, ánh sáng, exposure, màu sắc, …) Quá trình xử lý trong đêm này được gọi là Dailies (ở Mỹ) hoặc Rushes. 

Hầu hết các máy in phim nhựa (motion picture film printer) đều có một nguồn sáng bên trong chia thành các chùm tia đỏ, lục và lam sử dụng bộ lọc tách màu lưỡng sắc. Chúng có thể giúp tăng hoặc giảm exposure của phim âm bản, cũng như có thể kiểm soát màu sắc của hình ảnh đầu ra trước khi in ra (để duyệt hoặc phát hành). Mỗi chùm tia này được điều chỉnh thủ công (trong vòng mili-giây) để tạo ra sự thay đổi màu sắc từ cảnh này sang cảnh khác. 

Quá trình điều chỉnh để thêm ánh sáng trên máy in phim này chính là cách điều chỉnh, kiểm soát màu của làm phim nhựa. Ở Mỹ, nó được gọi là Color Timing, còn ở ngoài Mỹ thì nó được gọi là Color Grading. Người thực hiện quá trình này được gọi là Color Timer.

Quá trình color timing/grading không đơn giản chỉ là điều chỉnh exposure, nhiệt độ màu của phim âm bản trước khi in sang phim dương bản về mặt kỹ thuật. Color timing/grading còn là một quá trình sáng tạo về mặt nghệ thuật, để truyền đạt cảm xúc cho người xem hoặc để kể chuyện như một ngôn ngữ của điện ảnh.

Có một thiết bị hỗ trợ việc phân tích màu và preview hình ảnh được sử dụng trong quá trình này gọi là “color analyzer”. Hazeltine là một dòng sản phẩm được sử dụng rộng rãi nhất. Dưới đây là một số mẫu máy phân tích màu của Hazeltine.

The Hazeltine 200H film analyzer. Nguồn: Alexis Van Hurkman
Colormaster 2000 35mm Prismatic Analyser. Nguồn: cinematography.com

Color correction

Không giống như phim nhựa, quy trình video truyền thống đơn giản hơn nhiều. Thông thường, máy quay video được cân bằng trắng bằng một tấm thẻ trắng 90% trước mỗi bối cảnh. Đạo diễn có thể nhìn hình ảnh trực tiếp trên màn hình để đánh giá bố cục mà và màu sắc. Nếu thấy có vấn đề gì, anh ta có thể yêu cầu kỹ thuật điều chỉnh lại để cho đúng ngay lập tức. Việc điều chỉnh màu sắc cho mục kể chuyện hoặc truyền đạt cảm xúc gần là không cần thiết và cũng bị giới hạn (do dynamic của video rất thấp) trong sản xuất video.

Sự phát triển ngày càng lớn rộng của truyền hình (television) đã dẫn đến việc các nhà sản xuất muốn chuyển đổi các bộ phim từ chất liệu phim nhựa sang tín hiệu video để phát nó trên truyền hình. Quá trình chuyển đổi này gọi là Telecine, nó được thực hiện trong một khu vực kỹ thuật dành riêng cho post-production gọi là color suite (cũng được gọi là color bay, telecine suite, color correction bay). Có một thiết bị được kết nối trong quá trình telecine có chức năng điều chỉnh màu sắc được gọi là color corrector (hoặc color-correction computer). Người vận hành color suite được gọi là Colorist.

Shadow telecine system, produced by Grass Valley. Nguồn: wikipedia

Color corrector được thiết kế với có hai hình thức chỉnh màu có thể sử dụng: primary color correction và secondary color correction. Primary color correction là điều chỉnh exposure/color của toàn bộ hình ảnh trong khung hình. Secondary color correction là điều chỉnh exposure/color của riêng một phần/chi tiết nào đó nằm trong khung hình đã được primary color correction. 

Một vài thiết bị color corrector có thể kể đến được cung cấp bởi da Vinci Systems là: The Wiz, da Vinci Classic, da Vinci Renaissance 888 và da Vinci 2K/2K Plus.

Da Vinci 2K Plus ball control. Nguồn: BroadcastSolutions.com

Những khả năng của color corrector tiếp tục được áp dụng để color correction trong việc chuyển đổi video từ băng video sang băng video. Nó được gọi là tape-to-tape color correction hay video color correction. Đó chính sự ra đời là thuật ngữ video color correction được sử dụng đến tận ngày nay trong sản xuất hậu kỳ. 

Color grading vs. Color correction

Đến đây, chắc hẳn các bạn đã nắm được lịch sử ra đời của hai thuật ngữ color grading và color correction, cũng như bối cảnh/mục đích sử dụng của mỗi thuật ngữ. Color grading ra đời, được dùng trong hậu kỳ của sản xuất phim nhựa; color correction ra đời, được dùng trong hậu kỳ sản xuất video.

Phim nhựa điện ảnh được xem là nghệ thuật thứ bảy, nên color grading hàm chứa cả yếu tố sáng tạo nghệ thuật, sử dụng màu để kể chuyện và truyền tải cảm xúc đến người xem. Video là truyền thông tin bằng hình, kỹ thuật telecine giúp chuyển đổi hình ảnh từ phim nhựa sang tín hiệu video cần phải color correction để đảm bảo hình ảnh không bị sai màu khi thay đổi môi trường.

Khi color grading được thực hiện trong phòng lab và color correction được thực hiện trong phòng color suite, hai thuật ngữ này tồn tại ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Không thể có và không có bất cứ tranh luận nào trên các show truyền hình hay trong quán cà phê về việc giống khác nhau.

Chỉ có thể chắc chắn rằng cả hai đều hướng đến việc thay đổi màu sắc của hình ảnh khi có sự thay đổi môi trường lưu trữ/trình chiếu. Color grading là thay đổi màu từ film âm bản (negative film) sang film dương bản (positive film), còn color correction là từ phim dương bản sang video (video tape).

Vậy tại sao lại tồn tại các tranh luận về hai thuật ngữ này trên khắp các diễn đàn về hậu kỳ hiện nay. Câu trả lời là sự ra đời của DIGITAL – KỸ THUẬT SỐ – dẫn đến sự ra đời Digital intermediate trong chuyển đổi từ phim âm bản sang tín hiệu số hóa và ngược lại.

Xin được trình bày về digital intermediate trong phần 2 của loạt bài viết “Video Color 101: Tìm hiểu về color grading“, cũng như cách hiểu đúng về color grading trong sản xuất hậu kỳ hiện nay.

Nguồn tham khảo