Video Editing: Làm Video Editor là làm gì?

Một editor thực sự làm gì?

Đây thực sự là một câu hỏi khó trả lời đối với những ai không làm việc trong lĩnh vực làm phim hoặc sản xuất video. 

Đối với những ai có tìm hiểu đôi chút, câu trả lời thường thấy nhất là: kết hợp các cảnh quay lại với nhau, lựa chọn những cách tốt nhất, bỏ đi những thứ nhàm chán để tạo thành một đoạn video mới.

Đúng, công việc là cắt ghép các cảnh video lại với nhau. Nghe có vẻ rất đơn giản, nhưng đây chỉ là một phần nhỏ trong số những việc mà một editor phải làm.

Công việc thực tế của một video editor phức tạp hơn nhiều. 

Những việc mà editor phải làm là gì?

Dưới đây là liệt kê những công việc của một editor trong thực tế hiện nay:

  • Đọc kịch bản, hiểu kịch bản và câu chuyện mà kịch bản muốn truyền tải. Chỗ nào chưa hiểu phải trao đổi với đạo diễn/biên tập/khách hàng để hiểu.
  • Xem hàng trăm cảnh quay. Lựa chọn ra những cảnh quay phù hợp nhất với kịch bản.
  • Nghe hàng chục bản nhạc (music) để lựa chọn ra những bản nhạc phù hợp nhất. (Trừ khi ekip có người sản xuất nhạc riêng hoặc người yêu cầu đã lựa chọn nhạc sẵn từ trước.)
  • Nghe, thử hàng trăm hiệu ứng âm thanh (sound fx) để chọn ra những cái phù hợp – đặc biệt là các sản phẩm motion graphic. (Trừ khi ekip có sound designer riêng).
  • Tạo các tiêu đề chữ lớn-nhỏ, các chú thích bằng chữ, bằng đồ họa tĩnh, đồ họa động.
  • Sắp xếp các cảnh quay, âm nhạc, âm thanh, … đã chọn một cách hợp lý và logic để kể một câu chuyện hoặc thông điệp.
  • Sắp xếp, chỉnh sửa, hòa âm và cân bằng các kênh audio (music,soundfx, over-voice, …) một cách hợp lý.
  • Chỉnh sửa màu sắc để các cảnh quay đồng bộ về màu ở tất cả các cảnh, hoặc theo chủ ý của từng đoạn mà đạo diễn/biên tập/khách hàng yêu cầu.
  • Xem đi xem lại rất rất nhiều lần, cắt bớt những frame bị thừa, bổ sung một cảnh bị thiếu, thay thế một cảnh chưa phù hợp, đặt lại vị trí sound fx cho chuẩn, thừa/thiếu câu thoại cũng phải cắt/thêm, thay phông chữ/màu chữ, cỡ chữ cho tiêu đề, …
  • Trong quá trình editing, có phát sinh vấn đề như thiếu hình, hình không dùng được, các yêu cầu bất khả thi, … thì phải trao đổi lại với đạo diễn/biên tập/khách hàng ngay để đề xuất phương án thay thế hoặc cùng tìm phương án khắc phục.
  • Xuất file – chỉnh sửa – xuất file – chỉnh sửa – xuất file – chỉnh sửa –  … – xuất file cho đến khi đạo diễn/biên tập/khách hàng duyệt phát hành.
  • Xuất file phù hợp với từng loại hình phát hành: upload lên mạng xã hội, trình chiếu tại sự kiện, lưu trữ, … 

Về cơ bản, bất cứ một video editor nào cũng phải trải qua những việc trên. Đặc biệt với những dự án video cho doanh nghiệp, các yêu cầu ban đầu đôi khi khá chung chung, đến khi thành hình rồi họ mới nảy sinh, phát kiến ra các ý tưởng, nên việc thay đổi kịch bản, hình ảnh, … là điều rất dễ xảy ra. Là một video editor, bạn hãy luôn ở trong tâm thế sẵn sàng chỉnh sửa.

Bàn làm việc của một video editor.

Những kỹ năng mà video editor cần phải có?

Đọc 13 gạch đầu dòng ở trên, giờ bạn đã hình dung trong đầu mình những công việc mà một video editor phải làm rồi chứ? Nếu câu trả lời là đúng, bạn có thể làm được những công việc đó, thì bạn đã có tâm thế của một editor rồi đấy. 

Câu hỏi tiếp theo là: để trở thành một editor thì cần phải có những kỹ năng gì?

Dưới đây là những kỹ năng cần phải có của một video editor, theo quan điểm của cá nhân mình:

  • Phải hiểu được ngôn ngữ hình ảnh. Editor phải có hiểu được ngôn ngữ của các loại cỡ cảnh (types of shots), góc máy, … logic của việc ghép các cảnh lại với nhau theo một trình tự nhất định. 
  • Phải có cảm giác tốt về tiết tấu, nhịp độ, nhịp điệu và cách kể chuyện của hình ảnh. Từ đó biết cách kết hợp các hình ảnh, âm thanh lại với nhau để tạo ra nhịp độ mà mình muốn có cho từng đoạn phim, từng thể loại phim.
  • Phải am hiểu về các phần mềm chỉnh sửa video, các tính năng mà nó có thể thực hiện: cắt, ghép, tạo chữ, mix các lớp hình ảnh, các hiệu ứng và chuyển cảnh, các plugins từ bên thứ ba, … để góp phần vào sự sáng tạo cho hình ảnh.
  • Phải biết sử dụng (có thể không giỏi) những phần mềm thiết kế, chỉnh sửa ảnh, tạo hiệu ứng chữ, … để có thêm lựa chọn sáng tạo cho hình ảnh cho hợp với xu hướng.
  • Phải là người am hiểu nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội, để lựa chọn cách kể chuyện, âm nhạc, hiệu ứng hình ảnh, … phù hợp với từng thể loại phim, chương trình liên quan đến từng lĩnh vực, ngành nghề đó.
  • Phải am hiểu về nhiều thể loại âm nhạc, cũng như kỹ năng kết hợp âm nhạc theo nhiều phong cách khác nhau. 
  • Có đức tính kiên trì: họ sẽ phải xem, tìm kiếm trong hàng nghìn cảnh quay; nghe – chọn hàng trăm bản nhạc; tạo và thử hàng chục kiểu hiệu ứng chữ; xuất đi xuất lại nhiều lần cho một sản phẩm video.
  • Cẩn thận và tỉ mẩn: Editor phải sắp xếp, quản lý khi dữ liệu đầu vào một cách hợp lý để dễ tìm và dễ làm việc. Bạn phải cẩn thận, tỉ mỉ đến từng frame hình, làm việc với các clip như một người thợ kim hoàn làm việc với kim loại quý.
  • Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm: Tối thiểu thì bạn phải làm việc với khách hàng. Còn trong một production house, Editor sẽ phải làm việc với nhiều thành phần khác nhau để cùng tạo dựng nên một sản phẩm video: đạo diễn, sound designer, colorist, VFX-er, …
  • Phải am hiểu về các thiết bị phần cứng được sử dụng trong công việc hậu kỳ: màn hình, cấu hình máy tính, thiết bị lưu trữ, backup, … Các thiết bị phần cứng và phần mềm luôn phải được cập nhật để vận hành tốt nhất.
  • Phải giỏi tiếng Anh và có kỹ năng search/download trên internet. Hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp các template chữ, hình hiệu, elements, … rất đẹp mắt và hợp xu hướng. Có được những mẫu này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, cũng như có thêm sự lựa chọn kết hợp sáng tạo cho hình ảnh.
  • Nếu là một video editor làm freelancer, bạn cần phải sử dụng biết các công cụ lưu trữ online (G-drive, Dropbox, …) và làm việc online (Frame.io, Evercast, …).
Hai cuốn sách về ngôn ngữ hình ảnh, ngôn ngữ dựng rất đáng đọc.

Tóm lại: Video editor phải sử dụng kết hợp các kỹ năng nghệ thuật và kỹ thuật để sắp xếp các cảnh quay riêng lẻ thành một đoạn video tổng thể thống nhất, kể một câu chuyện/thông điệp nào đó tới khán giả.