Video color 101: Tìm Hiểu về color grading | Phần 2

(iFilmmaking) Đây là phần 2 của series bài viết tìm hiểu về color grading. Nếu bạn chưa xem phần 1, vui lòng click vào Tìm hiểu về color grading | phần 1 để xem trước. Ở phần 1, chúng ta đã biết được rằng, color grading và color correction ra đời trong hai lĩnh vực khác nhau, áp dụng trong hai trường hợp khác nhau cho đến khi công nghệ số ra đời. Trong phần 2 này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sự phát triển của chúng từ giai đoạn chuyển sang digital cho đến thời điểm hiện tại. Kết thúc phần 2, bạn có thể có được cái nhìn rõ ràng hơn, chuẩn xác hơn về color grading hiện nay.

Digital intermediate

Công nghệ phát triển vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước đã hỗ trợ rất tích cực cho điện ảnh. Nếu telecine là quá trình giúp chuyển đổi hình ảnh từ phim nhựa sang tín hiệu video ở dạng băng từ (video cassette tape) thì Digital intermediate (DI) là quá trình chuyển đổi hình ảnh từ phim nhựa sang số (digital) để xử lý hậu kỳ, sau đó recording trở lại lên phim nhựa hình ảnh đã được xử lý đó cho công đoạn tiếp theo.

Ban đầu, DI chỉ được sử dụng đối với một số cảnh cần làm các hiệu ứng kỹ xảo đặc biệt. Song công nghệ ngày càng phát triển đã dẫn đến DI ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong sản xuất phim điện ảnh. Năm 1992, DI đã được sử dụng để xử lý toàn bộ độ dài của phim Super Mario Bros. Năm 1999, VFX trong Star Wars: Episode I – The Phantom Menace đã được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. 

Điều chỉnh màu trong DI

Ngoài việc xử lý VFX, DI cũng bao gồm cả công đoạn điều chỉnh màu sắc, bao gồm cả việc điều chỉnh cho đúng với màu tự nhiên (color correction) lẫn điều chỉnh màu một cách sáng tạo để tạo cảm xúc (color grading) cho hình ảnh. Quá trình điều chỉnh màu này cũng được thực hiện trong color suite bởi colorist trên cùng một hệ thống thiết bị phần cứng với quá trình Telecine. Do vậy, telecine và DI thường bị hiểu nhầm là giống nhau. 

Như chúng ta thấy, hai quá trình này là khác nhau về bản chất. Nhưng chúng có điểm chung là đều giúp hình ảnh hiển thị đúng màu sắc khi thay đổi môi trường hiển thị. Quá trình DI sử dụng các công cụ kỹ thuật số để điều chỉnh màu, cho phép kiểm soát tốt hơn nhiều màu và nhiều khu vực riêng lẻ của hình ảnh, đồng thời cho phép điều chỉnh grain, sharpness, … của hình ảnh.

Một trong những thành tựu kỹ thuật quan trọng giúp quá trình DI có thể thực hiện được là 3D LUTs. 3D LUTs là kỹ thuật giúp preview hình ảnh kỹ thuật số trông như thế nào sau khi nó được hiển thị trên một môi trường khác. Điều này đã loại bỏ một lượng lớn phỏng đoán khỏi quá trình làm phim và cho phép tự do hơn trong quá trình phân loại màu đồng thời giảm thiểu rủi ro.

Digital color correction/grading

Năm 2007, RED cho ra đời máy quay digital cinema đầu tiên ở chất lượng RAW. Cuộc cách mạng số trong sản xuất phim nổ ra, Sony, Arri Alexa, Blackmagic Design, … đều tham gia. Đến nay, hầu như tất cả các bộ phim đều được sản xuất, phân phối và phát hành hoàn toàn trên môi trường số. Không còn nhiều người biết đến kỹ thuật sản xuất phim nhựa, telecine hay DI nữa. Tất cả, bây giờ, là DIGITAL. 

Ở lĩnh vực video, Canon nổ phát súng đầu tiên với EOS 5D mark II được thiết kế có bộ cảm biến Full-frame, cho phép máy chụp ảnh này có thể quay video với DOF nông như hình ảnh quay trên phim 35mm. Sony, Panasonic, Fujifilm lần lượt tham gia. Không còn nhiều người biết đến videotape. Tất cả đều đã là DIGITAL.

Ở lĩnh vực hậu kỳ, các hãng phần mềm thuần dựng thì phát triển thêm tính năng điều chỉnh màu, các hãng phần mềm thuần điều chỉnh màu thì phát triển thêm tính năng dựng. Từ Adobe, Sony, Avid đến Digital Vision, Blackmagic Design, Assimilate, … đều không thể đứng ngoài cuộc cách mạng số này. Tính năng chỉnh màu trên các hệ thống phần cứng và phần mềm được phát triển đều dựa trên nguyên lý điều chỉnh màu từng áp dụng trong telecine và DI trước đây. 

Color grading vs. color correction

Vẫn còn đâu đó tranh luận về sự giống khác nhau giữa correction và grading nhưng không còn nóng bỏng như cách đây 5 năm về trước nữa. Bởi nếu đi sâu vào tìm hiểu như cách chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu từ phần 1, ta thấy rằng chúng hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc, tên gọi và nơi sử dụng ở thời đại trước khi có sự xuất hiện của digital. Nhưng đều cùng mục đích: giúp cho màu hình ảnh hiển thị đúng và đẹp khi xuất hiện ở một môi trường mới. 

Nếu bạn bước chân vào lĩnh vực chỉnh màu với xuất phát điểm là digital, bạn có thể gọi công việc của mình là color correction, yếu tố sáng tạo/nghệ thuật là một công đoạn trong quá trình color correction của bạn. Nếu bạn đã làm công việc này từ trước cuộc cách mạng số hoặc từ giai đoạn chuyển giao, bạn có thể gọi công việc của mình là color grading, và color correction là một công đoạn trong công việc của bạn. Hoặc bạn có thể gọi công việc của mình là “color enhancement” cho phù hợp với tính chất công việc này trong thời đại hiện nay như đề xuất của nhiều colorist trên thế giới.

Color grading cho mục đích kể chuyện trong Fast & Furious 9. Bản quyền: Universal

Dù bạn gọi nó là gì, mục đích của bạn vẫn là sử dụng các công cụ chỉnh sửa để giúp cho hình ảnh của bạn hiển thị đúng và đẹp trên tất cả các môi trường mà nó hiển thị. Và trong ngôn ngữ của client nó là gì mới là điều quan trọng!

Tuy nhiên, với vai trò là một người trong nghề, chúng ta cần một thứ ngôn ngữ chung khi sử dụng hai thuật ngữ này trong công việc, giúp thuận tiện hơn trong việc tương tác. Color grading dùng để chỉ công việc nâng cao chất lượng hình ảnh cho mục đích sáng tạo, sử dụng màu sắc như một ngôn ngữ kể chuyện và tạo ấn tượng về cảm xúc đến/cho người xem. Color correction được xem là một bước không thể thiếu của color grading, nó là một phần công việc trong color grading. 

Color correction là làm cho hình ảnh hiển thị màu sắc chân thực như mắt ta nhìn thấy thông qua các thao tác điều chỉnh thông số màu – thuần là công việc kỹ thuật; color grading là làm cho hình ảnh hiển thị màu sắc theo chủ ý của chúng ta thông qua việc thêm vào cho hình ảnh một diện mạo mới – công việc của cả kỹ thuật lẫn sáng tạo nghệ thuật. 

Nguồn tham khảo


Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (0) in /home/haovuviet/public_html/wp-includes/functions.php on line 5109

Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (0) in /home/haovuviet/public_html/wp-content/plugins/really-simple-ssl/class-mixed-content-fixer.php on line 110