Vì sao chúng ta sẽ không bao giờ có được một Công Đoàn Quay Phim?

Tôi chỉ là người bề dưới (Below The Line) không biết được luật chơi của bề trên (Above The Line) như thế nào nên những gì tôi trải nghiệm và nhận thấy được chỉ gói gọn trong khuôn khổ giới hạn của tổ quay.

Chúng ta muốn có một Công Đoàn Quay Phim. Vậy bao nhiêu người hiểu được Công Đoàn là gì và làm gì?! Hội Đồng/Công Đoàn (Union) hơi khác với Hiệp Hội (Guild/Society) một chút. Công Đoàn được thành lập ra để bảo vệ những người làm nghề như chúng ta. Vậy một Union Set khác với Non-Union như thế nào? Ở môi trường làm việc Union, chúng ta có sự thống nhất về tất cả các luật lệ, thời gian làm việc, giá cả và cách thức vận hành…. Còn với Non-Union thì người đi làm thuê không có tiếng nói gì cả.

Trước hết xin được nói Union không phải là một tổ chức từ thiện, không lập nên để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho riêng một cá nhân hay tổ chức nào một cách vô lý. Union không tạo ra việc làm cho các bạn, Union không tăng giá cho các bạn. Union cũng không bảo vệ các bạn một cách mù quáng. Union là một cộng đồng vì lợi ích chung, một cộng đồng hướng tới một quy chuẩn làm việc ĐÚNG. Trước mắt là bảo vệ người đi làm và hơn hết là đảm bảo chất lượng cho cả người đi thuê.

Ở Mỹ có Local 600 cho Camera, Local 728 cho Set Lighting và Local 80 cho Grip. Không phải cứ đi làm cho tổ quay là hiển nhiên bạn sẽ được Local 600 bảo vệ. Mọi thứ đều phải có quy tắc của nó. Để được gia nhập Union bạn phải trải qua đủ số giờ làm việc trên trường quay, tích luỹ đủ kinh nghiệm để được tham gia và hơn hết là bạn phải đóng phí, mức phí khác nhau theo vị trí công việc. VÍ dụ như bạn sẽ phải đóng $18,000/năm cho vị trí DP hay $10,000/năm cho CamOp….

Khi tham gia với một trong những Union trên, bạn sẽ được tham gia các buổi workshop, khoá đào tạo, được đảm bảo quyền lợi về thời gian làm việc, giờ ăn, giờ nghỉ và định giá phù hợp. Ngược lại bạn sẽ phải tuân thủ luật lệ của Union để đảm bảo chất lượng và khối lượng công việc cho sản xuất. Vì một khi sản xuất đã book người của Union, họ có quyền an tâm, tự tin là chất lượng sẽ luôn được đảm bảo. Chính vì vậy chi phí để gia nhập Union không hề rẻ nhưng vẫn rất nhiều người muốn vào công đoàn. Những sản xuất, nhà đầu tư lớn nào muốn đảm bảo chất lượng, có những sản phẩm chỉnh chu, cần những người làm nghề có TÂM và TẦM, họ sẽ gọi Crew của Công Đoàn trước tiên.

Vậy tại sao đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có một Hội Đồng (Union) Quay Phim?!

Đơn giản hầu hết chúng ta chưa bao giờ tuân thủ luật chơi!

Chúng ta lên tiếng muốn có một Hội Đồng để bảo vệ giờ ĂN giấc NGHỈ. Nhưng mấy ai trong chúng ta sẵn sàng LÀM cho ĐÚNG. Một khi bạn làm SAI. Nghĩa là bạn đang đi ngược lại với quy tắc của Công Đoàn. Vậy Công Đoàn bảo vệ bạn làm gì?

Hàng ngày chúng ta đều sử dụng tiền của sản xuất một cách không hiệu quả, lãng phí để rồi cuối cùng làm ảnh hưởng ngược đến sức khoẻ của chính chúng ta. Trước khi đổ lỗi cho các tổ khác chúng ta phải làm ĐÚNG nhiệm vụ của mình đã. Trong khi Quay Phim thì lo đi “phụ” đặt ánh sáng, DP thì đi “phụ” chỉ đạo diễn xuất, Còn Focus thì lại “phụ” đặt góc máy. Đâu phải việc của mình mà cứ “xung phong”?. Mỗi lần giẫm chân lên nhau đó lại ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất dẫn đến việc chúng ta đang PHÁ nhiều hơn là giúp đỡ.

Mỗi người chỉ cần làm ĐÚNG và TỐT trách nhiệm của mình. Thì một set quay sẽ chạy rất trơn tru. Tôi từng được nghe kể về phim của các bậc tiền bối hoàn thành xong trước lịch quay đến gần 10 ngày, vì đơn giản ai làm việc nấy, không phải tranh giành nhau. Còn chúng ta bây giờ có những CamOp tranh nhau phần việc của DP. Hay DP hết giờ làm ra về thì CamOp xung phong lên set đèn, set ánh sáng thay thế. Chỉ cần vậy là đã làm SAI luật, SAI hệ thống, rồi dẫn đến việc ngày quay dài ra. Cuối cùng xảy ra chuyện thì lại thi nhau đòi CÔNG LÝ.

Chúng ta “CHƠI” công việc, “CHƠI” sản phẩm đã đành, nhưng chính chúng ta còn “CHƠI” lẫn nhau. Quay Phim nước ta không có bao nhiêu người, nhưng mỗi người CHƠI nhau một kiểu mà đòi lớn mạnh thì làm sao được. Đơn cử như có lần tôi ngồi với các anh đồng nghiệp, thì có một bề trên gọi đến nói về một dự án. Nghe có vẻ rất quyết đoán và chốt rằng “Anh chỉ muốn làm với em! Không có em thì anh không quay!” Vừa cúp máy xong thì đến lượt anh quay phim B rồi anh C ngồi kế tôi cũng nhận được cuộc điện thoại y chang như vậy từ bộ phim kia. Đương nhiên là chúng tôi không đồng ý làm, vì làm nghề cho một người như vậy, chúng ta có muốn cống hiến hết mình không? Nhưng tại sao họ vẫn có thể dám gọi cho chúng ta như vậy? Vì A,B,C,D không nhận thì vẫn có anh quay phim Z nào đó nhận giá rẻ hơn một nửa, vừa DP vừa quay luôn, vậy thôi!

Trong Local 600 của Camera bạn phải tuân thủ một quy định giá của từng người, từng phân cấp. Bạn phải làm đúng giá và vị trí của mình. Đương nhiên có những trường hợp đặc biệt như khi bạn làm DP mà bạn muốn tự quay phim luôn. Được thôi, phí của việc muốn tự quay là $15,000. (Roger Deakins ASC BSC trả phí này hoài.)

Còn các bạn muốn làm 14 tiếng, Công Đoàn sãn sàng ký kết với sản xuất 14 tiếng. Nhưng đến khi hết 14 tiếng thì các bạn ở lại…. làm tiếp. Nên nếu có tai nạn xảy ra sau 14 tiếng làm sao Công Đoàn đứng ra bảo vệ các bạn được. Khi mọi người làm vậy, nghĩa là mọi người đã tự ý làm sai hợp đồng. Đâu còn Công Đoàn nào muốn đại diện cho mọi người nữa?! Nhiều người lên tiếng mạnh mẽ, nhưng bao nhiêu trong chúng ta dám ĂN đúng bữa , NGHỈ đúng giờ và LÀM đúng việc. Bao năm nay tôi thấy có vài người! Còn lại chỉ hô hào ra vẻ nhưng không dám làm.

Chúng ta luôn muốn được bảo vệ, được thôi, nhưng nếu có luật thì bao nhiêu người sẽ theo? Chưa cần nói đến Công Đoàn với những luật lệ phức tạp, những gì tôi đang hướng đến chỉ là những vấn để đơn giản để một bộ phim được vận hành hợp lý. Vậy mà bao nhiêu người còn không theo được thì cái ngày chúng ta chính thức có một Công Đoàn… còn xa lắm!

Cảm ơn anh @Bob Nguyen về bài chia sẻ này!