DP/DOP: Chúng ta đang “ĂN-NGHỈ” theo một cái hệ thống nào vậy?

Chúng ta đang “ĂN” theo một cái hệ thống nào vậy?

Đối với nhiều người thì kinh nghiệm làm nghề của tôi còn khá ít ỏi. Nhưng tôi nhận thấy được, chúng ta đang rất mơ hồ trong vấn đề ăn và uống.

Khi quay ở Châu Mỹ (Canada, Mỹ…) chúng tôi ăn theo block 6 tiếng. Nghĩa là cứ đúng 6 tiếng bạn phải đi ăn một lần. Tôi nói PHẢI ở đây là bắt buộc.

Còn ở Châu Âu. Người ta chỉ làm 8 – 10 tiếng một ngày và bắt buộc phải có ít nhất 2 bữa. Giờ trưa phải đủ 3 phần Khai Vị, Món Chính và Tráng Miệng.

Lúc quay ở Châu Á, và đặc biệt là Thái Lan, cách chúng ta chẳng bao xa. Họ ăn theo giờ sinh hoạt. 6h sáng – 12 giờ trưa – 6h chiều – 12h đêm; bất kể bạn on set vào lúc nào.

Quan trọng hơn hết trong tất cả các hệ thống đó. 1st AD luôn luôn là người ăn sau cùng! Khi tất cả các thành viên trong ekip đã lấy thức ăn. Giờ ăn được tính từ sau khi người cuối cùng lấy được phần ăn của mình. Trong suốt quá trình làm, luôn có những phần bánh, trái cây nhỏ cho tất cả ekip trong đoàn chứ không riêng gì những người ngồi trên!

Đương nhiên là hệ thống nào cũng có điểm hay và bất tiện của nó. Như ở Mỹ nếu bạn on set lúc 10h sáng. Nghĩa là phải đến 4h chiều bạn mới được ăn tiếp. Còn ở Thái Lan nếu bạn on set lúc 4h chiều, vừa set-up xong đang rất nóng lòng quay cho kịp đêm thì 6h bạn phải nghỉ ăn tối.

Nhưng chúng ta hiện tại còn không có cả một hệ thống ăn uống cho tất cả đoàn phim, nói chi đến mặt tiện hay bất tiện. Ngành điện ảnh của chúng ta rất nhỏ. Nhưng 10 đoàn thì lại có 11 kiểu ăn khác nhau. Ai là người ăn trước? Ai nên là người ăn cuối cùng? Thời gian nghỉ trưa nên là bao lâu? Ai là người được uống nước ngọt, ai là những người chỉ được uống trà đá? Ai là người ngồi trên, ai ngồi dưới? Ai được ăn trái cây, ăn bánh? Ai uống cafe trên set vẫn phải trả tiền?

Có khi chúng tôi chẳng kịp ăn sáng, vừa bước chân lên set là phải vội vàng ra set up, rồi quay luôn đến 1-2h trưa.
Lúc thì phải quay đến 8-9 tối còn chưa có miếng cơm nào trong bụng vì phải ráng làm cho xong để di chuyển bối cảnh.

Hay vì lịch hôm nay rất dày đặc nên ai rảnh thì chia nhau đi ăn trước. Đây là một điều mà tôi thấy rất là vô lý sau không biết bao lần giải thích. Khi tôi đang quay, 1/2 số crew của tôi chia nhau đi ăn, tiến độ làm việc của tôi bị chậm lại vì số người giảm đi một nửa. Lúc quay xong đến lượt tôi và những người còn lại đi ăn thì cả đoàn vẫn phải nghỉ ít nhất 30-45’ để chờ đợi. Như vậy chúng ta tiết kiệm cái gì ở đây? Tại sao không cùng nhau nghỉ 45’ rồi cùng nhau làm? Nếu có bất kỳ lý do gì về thời gian và lịch thì chúng ta đã làm sai từ khâu chuẩn bị. Đừng lấy cái lỗi của những người ngồi trên ra bắt người ngồi dưới phải giải quyết.

Biết rằng trong một ekip có người sáng tạo và những người thợ. Nhưng chẳng ai quan trọng hơn ai cả. Chúng ta chỉ lo sáng tạo, rồi bỏ qua thợ, những người trực tiếp thực hiện ý tưởng của chúng ta thì đó không phải là một đoàn phim khoẻ mạnh. Một khi THỢ GỤC NGÃ, THÌ AI LÀM?

Ekip đi làm vì họ được gọi đi làm và họ xứng đáng với vị trí đó. Chẳng ai năn nỉ đi làm để xin bữa cơm trưa cả. Nên ekip chúng ta không cần và không nên phải đánh đổi sức khoẻ vì miếng ăn như vậy.

Tôi luôn thẳng thắng tranh luận với những kiểu “hy sinh vì nghệ thuật” kia. Nếu bất cứ một ai trong ekip của tôi ngã xuống vì một shot hình nào đó. Liệu tôi còn ruột gan đâu, lương tâm đâu mà sử dụng shot hình đó nữa?

Chúng ta đang “NGHỈ” theo một cái hệ thống nào vậy?

Không những chuyện ĂN & UỐNG. Câu chuyện NGHỈ của chúng ta cũng mập mờ không kém. Thời gian làm việc của đoàn phim chưa bao giờ rõ ràng. Giờ đi có. Còn giờ về thì xem như phó mặc cho bề trên quyết định. Mỗi ngày đi làm như bước chân vào một cuộc chiến không biết khi nào mới được về. Chúng ta chào gia đình người thân đi làm, mà còn hơn chia tay để ra trận. Đôi khi tôi ao ước có một quy chuẩn nào đó cho tất cả đoàn phim. Đương nhiên không thể quy chuẩn nào cũng vượt trội nhưng không làm thì biết sai đâu mà sửa!

Giờ làm việc ở Châu Mỹ được tính theo 12 tiếng. 12h tail-light hay 12h hard-wrap. Theo kiểu nào thì cũng cao nhất sau 12:30’ bạn đã được ngồi trên xe đề máy ra về. Nhưng đó không có nghĩa là 6:00am on set thì giờ đó bạn mới phải có mặt. Chúng tôi hay nói đùa rằng “Nếu bạn đi sớm thì có nghĩa bạn đi đúng giờ. Còn nếu bạn đi đúng giờ có nghĩa rằng bạn đã đi trễ.”

6:00am call time nghĩa là 5:15 sáng đội catering đã sẵn sàng. Crew có mặt từ 5:30 ăn sáng uống cafe và đúng 6:00 xe tải mở cửa – bắt đầu làm việc.

Thời gian giữa 2 ngày quay liên tiếp (turn around) tuyệt đối không được ít hơn 8-10 tiếng.
Một tuần làm việc 5 ngày thường bắt đầu vào ngày thứ Ba và kết thúc vào thứ Bảy. Để mọi người còn được nghỉ ngày CN cuối tuần và có thêm ngày thứ Hai giờ hành chính để giải quyết công việc cá nhân liên quan!

Khi chúng tôi quay ở Châu Âu. Mọi thứ hoàn toàn khác. Thời gian và cách làm việc tao nhã của Châu Âu gây khó khăn cho chúng tôi rất nhiều nhưng chúng tôi cũng vui vẻ chấp nhận vì họ đề cao sự an toàn và sức khoẻ.
Ekip làm việc hết mình nhưng chỉ theo block 8-10 tiếng với turn around 10-12 tiếng.

Và 6:00AM call time thì đúng 6h mọi người đã có mặt đầy đủ. Thời gian ăn sáng là 30’ và ăn trưa là 1 tiếng. Giờ nghỉ trưa tất cả mọi người đều phải ngồi ra bàn và được phục vụ 3 món chính, sau cùng là cafe. Họ rất tàn tàn như vậy trong khi chúng tôi quen cách làm việc từ Châu Mỹ. Chỉ muốn nôn nóng làm cho xong! Nhưng sau này chúng tôi nhận ra được. Nhờ ‘tàn tàn’ mà ai khi trở lại làm việc cũng vui vẻ, hết mình và hiệu quả công việc đạt được rất cao!
Vậy nếu ngày 8 tiếng có nghĩa là bạn chỉ làm có 6 tiếng 30’. Mỗi tuần có thể làm 6 ngày nhưng cách xử lý công việc rất nhẹ nhàng.

Lúc tôi may mắn được quay ở Thái Lan. Ekip kiên quyết không làm hơn 13 tiếng tính luôn thời gian nghỉ trưa. Nghỉ ăn theo block 6-12-18-0. Vậy nên bạn on set lúc 6h sáng có nghĩa là bạn sẽ được ăn 3 bữa lúc 6h sáng 12h trưa và 6h tối.

Nhưng 13 tiếng của họ bắt đầu tính từ lúc di chuyển rời khách sạn hay kho thiết bị. Nếu bối cảnh của bạn cách xa 2h di chuyển. Thì bạn phải cộng luôn 4h vào giờ làm việc.
Một tuần chỉ được làm 6 ngày và mỗi ngày phải được nghỉ ít nhất 8-10 tiếng. Vậy nếu quay đêm ở cánh đồng nào xa mất 4h di chuyển, 2h nghỉ ăn. Bạn chỉ còn 6-7 tiếng để set up và quay.

Nói ra như vậy để nhận thấy rằng bất cứ hệ thống nào cũng có những điểm hay và không hay của nó. Khi chúng tôi đi quay ở đâu. Chúng tôi cũng có thể chấp nhận được bản chất của nước bạn.

Còn chúng ta. Hệ thống của chúng ta ở đây là gì? Thời gian nghỉ ăn sáng, ăn trưa của chúng ta được bao lâu? Thời gian 1 ngày làm việc dài như thế nào? Turn around bao nhiêu tiếng? Trẻ em thì phải được hưởng chế độ nghỉ ngơi như thế nào? Không ai trả lời được cả!

Đến thời gian nghỉ giữa 2 ngày rất ít ỏi, 6 tiếng, 3 tiếng hoặc đôi khi bằng 0. Tôi từng chứng kiến những ekip ánh sáng không còn đủ thời gian để quay về nhà. Đành phải lủi thủi dọn thiết bị đem qua bối quay tiếp theo và ngủ lại trên xe. Đơn giản khi bạn – những người bề trên (ngồi trong lều ăn bánh trái cây) chấp nhận làm việc một ngày dài 16 tiếng , CHỈ 16 TIẾNG thôi. Có nghĩa là ekip phải mất gần 20 tiếng mới về đến nhà. Vậy còn 4 tiếng làm sao có đủ thời gian ngủ và thức dậy chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo? Không phải cứ làm 16 tiếng là bạn sẽ có 8 tiếng ngủ! Đâu phải ai cũng được ngồi trên mà vừa gọi wrap là đứng dậy ra về?!

Điều mà tôi nhận thấy hằng ngày là những hình ảnh, bài viết của mọi người làm việc 17-20 tiếng, hay thậm chí là 24 tiếng. Hay các bài báo thi nhau viết về một dự án nào đó, nơi mà ekip và diễn viên hy sinh vì nghệ thuật cho những ngày dài 17-24 tiếng vì đây là một bộ phim hành động khó khăn… Vậy đó mà chúng ta viết về nó một cách rất tự hào!

Tôi không cho hy sinh như vậy là vì nghệ thuật. Bản thân chúng ta sau 14 tiếng làm việc liên tục đã không còn ở trạng thái minh mẫn để sáng tạo nữa. Vậy cố gắng làm cho xong ngày là vì đồng tiền hay sản phẩm? Một khi chúng ta vì sản phẩm mà đặt tính mạng con người lên một mức độ nguy hiểm thì tôi không đồng ý. Tôi đã và sẽ luôn nói không nếu bất cứ vì lý do gì ekip của mình không được bảo đảm an toàn về sức khoẻ và thời gian.

Chúng ta chưa xảy ra những chuyện như của Brent Hershman, một quay phim, anh tử vong trong một tại nạn xe trên đường về nhà sau 19 giờ làm việc trên trường quay. Nếu chuyện đó xảy ra cho bất cứ một người trong những ekip chúng ta. Thì chúng ta sẽ làm sao đây? Không ai biết! Và không ai thèm nghĩ đến! Hay chúng ta cứ ngồi đợi mất bò rồi mới lo làm chuồng như truyền thống lâu đời nay!

Haskell Wexler đã từng kêu gọi chiến dịch “12 on 12 off” để tránh đi những tai nạn không đáng có kia. Bản thân tôi phản đối việc làm overtime hay thêm giờ kể cả có được trả phí OT. Bộ phim là cả một quá trình dài, như cả một mùa giải. Không phải những công việc ngắn hạn như 1-2 ngày quay. Cả ekip phải có đủ thời gian ăn nghỉ, bảo đảm sức khoẻ cho một quá trình dài 2-4 tháng.

Với tính chất làm việc của chúng ta tuy không thể đem ra so sánh với nước bạn được. Nhưng tôi không đồng ý đoàn phim của chúng ta làm quá 14 tiếng/ngày! Thời gian nghỉ giữa những ngày quay phải đảm bảo ít nhất từ 8 – 10 tiếng trở lên + thời gian di chuyển.

Nếu chúng ta không tính toán được những yếu tố đó vào trong lịch quay. Vậy CHÚNG TA ĐI QUAY LÀM CÁI GÌ? Hay lại có những câu nói huyền thoại giúp sức từ các bề trên như là “Chúng ta sẽ làm được mà em…” “Anh/Chị tin nếu mọi thứ suôn sẻ… thì…” “Lâu lâu mới có một lần….” “Chỉ lần này nữa thôi….”

Để rồi một ngày nào đó sẽ có một Brent Hershman của chúng ta xảy ra. Lúc đó ta lại ngồi bên nhau và nói “Giá như….”

Shot hình nào cũng có thể làm lại được, nhưng tính mạnh con người thì KHÔNG!

Chia sẻ từ Facebook Bob Nguyen