DP/DOP: Chúng ta đang “LÀM” theo một cái hệ thống nào vậy?
Để được tất cả những gì chúng ta đòi hỏi về ĂN, UỐNG và NGHỈ thì chúng ta phải “LÀM”. Làm cho đúng, làm cho hiệu quả và làm hết mình. Vì không một ai bỏ tiền ra để chúng ta ĂN rồi NGHỈ cả. Người người nhà nhà đua nhau làm nghề. Để chưa bao giờ nền điện ảnh chúng ta hỗn loạn như bây giờ.
Ở đây tôi không đủ kiến thức để nói về tất cả các vị trí trong đoàn làm phim. Kiến thức của tôi chỉ giới hạn nên chỉ nói sơ về những thành phần ekip tổ quay phim, ánh sáng và những công việc liên quan!
Khi bạn qua Châu Mỹ bạn sẽ phải làm việc theo hệ thống Châu Mỹ. Nếu qua Châu Âu bạn sẽ phải chấp nhận làm việc theo hệ thống Châu Âu. Vì nhập gia thì phải tuỳ tục. Vậy “tục” chúng ta là gì? Mỗi khi có đoàn của nước bạn qua làm việc với chúng ta. Chúng ta trả lời như thế nào đây?
Chúng ta lên tiếng đòi bảo đảm quyền lợi “Ăn Ngủ Nghỉ” trong 14 tiếng, vậy trong 14 tiếng chúng ta có làm đúng trách nhiệm của mình hay chưa mà đòi hỏi? Một khi bạn làm đúng. Bạn sẽ có quyền! Còn khi bạn làm không đúng, nghĩa là bạn đang làm hại sản xuất. Đôi khi chúng ta phải đương đầu với một ngày làm việc dài đơn giản vì chúng ta không biết mình đang làm cái gì. Trách nhiệm công việc của mỗi người ra sao! Cứ mặc sức mà giẫm chân lên nhau hỏi sao không mất thời gian!
Vậy làm sao cho đúng? Ở đây chưa hẳn là tất cả đang làm sai. Nhưng tôi cảm thấy nó đang hỗn loạn. Người không biết thì làm sai. Người biết thì mỗi người làm một kiểu. Hỗn loạn ngay chính từ công tác đào tạo. Chúng ta hiện tại không có được một trường điện ảnh đúng nghĩa. Trường chỉ có khoa Đạo Diễn, khoa Quay Phim. Cho nên bước chân lên bất kỳ một đoàn phim nào bạn sẽ thấy có khoảng năm bảy đạo diễn và một tá quay phim.
Còn khi không được trường lớp đào tạo bài bản, mọi người xưa nay chỉ được học bằng cách nghề dạy nghề. Chưa bàn đến ai dạy đúng ai dạy sai. Cứ 2 người sẽ có 3 cách. Như vậy chỉ cần 3 thế hệ dạy nhau sẽ có sơ sơ vài chục cách!
Để rồi chúng ta bước ra đi làm một cách rất hoang mang. Từ đó hình thành nên những mặc định không đúng về vị trí của từng người trong đoàn phim. Trong cơn hỗn loạn đôi khi tôi nghĩ có lẽ nào những gì mình biết được trước giờ là sai…. hay nước ta nào giờ làm đúng quy chuẩn còn các nước bạn tào lao?!
Rất dễ để bắt gặp một Đạo Diễn Hình Ảnh (DP) hay tự xưng DP không biết mình đang làm cái gì trên set. Tôi quan sát thấy rất nhiều người đang mò nghề chứ không phải đang làm nghề! Đi làm mà không ai chịu nghiên cứu, hay chuẩn bị cho dự án của mình. Thời gian tiền kỳ các bạn làm gì? Trước khi lên set các bạn chuẩn bị ra sao? Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến phải làm việc quá giờ chính là do mọi người không hề chuẩn bị gì cả. Lên set quay mới bắt đầu tính. Vậy bao nhiêu DP ngoài kia có đi prep, test máy, và làm bài tập về nhà?
Mặc dù mọi người làm 20 tiếng. Nhưng chưa chắc khối lượng công việc lại đạt được nhiều hơn nếu làm chỉ 14 tiếng mà có chuẩn bị kỹ càng. Bao nhiều lần tôi bắt gặp sản xuất và đạo diễn gục ngã trong lều chỉ vì đợi các bạn DP mò một tình huống rất đơn giản!. Vì thực tế, sản xuất hay đạo diễn cũng là con người. Chẳng ai không muốn về sớm cả! Tôi cho rằng đi quay cũng như đi thi. Bạn có mấy ngày/tuần/tháng để chuẩn bị và 14 tiếng để làm bài. Làm sao cho kịp và hiệu quả nhất. Đôi khi có những thứ tôi phải bỏ qua, vì thời gian là có hạn.
Còn ‘Quay Phim’ thì làm gì và ‘Quay Phim’ là ai? Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta nên có điều chỉnh cách sử dụng rõ ràng về từ ‘Quay Phim’. Chúng ta sử dụng từ ‘Quay Phim’ trong trường để giảng dạy, giải thưởng điện ảnh và phương tiện báo chí. Nhưng nếu tôi làm việc với vai trò Đạo Diễn Hình Ảnh (DP) thì tôi không hề trực tiếp quay một shot hình nào cả. Vậy khi giải thưởng của hội điện ảnh trao cho Quay Phim là trao cho ai?
Quay Phim – Camera Operator – CamOp là người trực tiếp cầm máy quay và thực hiện các động tác máy dưới sự chỉ đạo của DP.
Nếu ai đó hỏi tôi DP có quay luôn được không? Đương nhiên là được chứ. Vậy chứ sản xuất có làm đạo diễn luôn được không? Vậy luôn cho tiết kiệm. Đương nhiên là được chứ. Lúc đó chúng ta sẽ mất đi một sản xuất giỏi và có thêm một đạo diễn tồi! Vậy anh/chị có muốn hy sinh DP và có thêm một CamOp tồi hay không?
Bản thân tôi là Đạo Diễn Hình Ảnh tôi dám chắc rằng khả năng quay phim của tôi kém gấp nhiều lần những người đang làm quay phim hiện tại. Đơn giản bởi vì tôi không được đào tạo để làm chuyện đó và tôi cũng không cần phải biết để làm chuyện đó giỏi hơn người khác. Mỗi người có một công việc và trách nhiệm riêng.
Khi hầu hết ai đi làm quay phim cũng muốn làm DP. Điều đó không sai. Thậm chí còn tốt nếu bạn làm đúng và tích lũy kinh nghiệm trong quá trình làm quay phim của mình. Nhưng khi bạn đảm nhiệm riêng vị trí Quay Phim bạn phải biết nhiệm vụ chính của mình là làm gì! Quyền hạn đến đâu! Tôi để ý thấy rất nhiều quay phim “xung phong” chọn ống kính, đặt góc máy, chỉnh sửa sáng tối, nói chuyện trực tiếp với đạo diễn, chỉ đạo tổ ánh sáng, làm việc với thiết kế, điều hành phục trang và ý kiến với make-up! Tôi cho rằng như vậy là SAI.
Không cần biết kinh nghiệm bạn bao nhiêu, có thể là nhiều hơn gấp mấy lần anh DP trẻ nào đó. Nhưng trong hệ thống đoàn phim. Họ đang làm sếp còn bạn là cấp dưới! Nếu DP đến hỏi, bạn có quyền đưa ra ý kiến và suy nghĩ của mình. Còn không thì chúng ta nên tập trung làm tốt công việc chính của mình đã. Nếu bạn cho rằng DP làm sai điều gì, thì cứ để cho người ta sai. Vì lúc DP làm tiền kỳ, làm việc với đạo diễn về ý đồ của dự án bạn có mặt ở đó không mà biết DP muốn gì?
Tôi từng may mắn được có cơ hội làm Quay Phim cho một anh DP hàng đầu của Việt Nam mặc dù khả năng quay của tôi không được cao. Tôi nhận ra rằng vị trí Quay Phim không hề dễ như mọi người vẫn nghĩ. Khi máy chạy, hàng trăm con mắt đổ dồn về phía bạn, quan sát công việc bạn đang làm. Nó đòi hỏi sự tập trung rất cao vì nếu bạn mắc lỗi. Mọi thứ quay trở về vạch xuất phát. Bao nhiêu đó đủ để tôi toát mồ hôi. Vậy mà mọi người còn đi lo ánh sáng, góc máy, ống kính cho DP chi cho mệt vậy? Làm hơn trách nhiệm của mình chưa chắc đã đúng! Tôi chưa bao giờ thấy một hệ thống nào trên thế giới có ‘Quay Phim’ hay Cam Op lộn xộn như chúng ta.
Đơn cử như câu chuyện về một Cam Op Việt Nam trong phim ‘Người Mỹ Trầm Lặng’ vẫn luôn được kể đi kể lại từ những anh lớn trong nghề. Khi Christopher Doyle – DP đã set khẩu cho máy quay xong, anh Quay Phim máy 3 của nước ta đã cho rằng như vậy là thiếu sáng và tự ý thay đổi khẩu độ của ống kính. Kết quả là Chris Doyle đã ‘mời’ anh quay phim kia ra khỏi trường quay vì cách làm tự ý đó. Vậy mà chúng ta đến bây giờ vẫn chưa bỏ được cái thói quen này. Bao nhiêu người đây vẫn đang muốn và chờ đợi cơ hội để ‘thể hiện’. Theo tôi đây là một nguyên nhân rất lớn dẫn đến việc mất thời gian. Vì nó tạo nên một khung cảnh hỗn loạn trên trường quay khiến các tổ khác không biết phải nghe theo ai, ai là DP và ai là người quyết định.
Không chỉ các bề trên hoang mang hỗn loạn. Bề dưới cũng hoang mang không kém khi cứ phải tranh cãi Focus Puller phải làm gì, còn 1st AC làm gì, ai là người gõ Slate? Ai là người phải bấm Record? Khi không ai báo nét thì phải nét chỗ nào. Tổ máy có trách nhiệm phải phân chia công việc ra sao?
Nếu theo hệ Châu Mỹ, 1st AC là tổ trưởng tổ máy, trách nhiệm cực kỳ lớn, vừa quản lý tổ máy vừa phải đảm nhận nhiệm vụ chỉnh nét. Còn ở hệ Châu Âu, công việc chỉnh nét được giao cho một vị trí riêng gọi là Focus Puller. Người làm Focus chỉ có một nhiệm vụ duy nhất là đảm bảo nét theo đúng ý đồ của DP. Ngoài ra bạn không cần làm gì cả!
Khi bạn làm Focus Puller hay 1st AC hay đơn giản là chỉnh nét thì bạn phải có một kiến thức nền về ống kính, khẩu độ, độ sâu trường ảnh…. không đơn giản như ta hay nói: Có tay là chỉnh nét được. Phải công nhận nghề chỉnh nét cũng là một nghệ thuật. Vì nó ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem. Rất nhiều bạn cho rằng đơn giản chỉnh nét chỉ là vặn từ A qua B. Nếu thật sự vậy bác xe ôm đầu hẻm nhà tôi làm được!
Quyết định nét điểm nào trên khung hình là lựa chọn của DP và khi bạn làm Focus Puller bạn chỉ nhận lệnh trực tiếp từ DP chứ không phải từ CamOp. Và nếu như khi DP không thông báo nét thì phải làm sao?
Có một thứ tự nét quan trọng (khi không có ai báo) mà tôi được dạy là : Diễn viên được trả lương cao nhất > Diễn viên chính > Người gần máy nhất > Người chiếm nhiều diện tích khung hình nhất > Nét điểm gần nhất của ống kính (Nghĩa là một khi hoang mang không biết nét ai thì cứ nét cận nhất. Tự nhiên sẽ có người tới nói với bạn phải làm gì)
Vậy thì ai là người gõ Slate. Với tôi đây là một vị trí rất quan trọng. Ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đoàn phim. Vậy mà tôi thấy biết bao nhiêu công ty thiết bị, cứ người nào mới vô làm chưa biết gì là cho đi gõ Slate hay cứ ai rảnh chạy ra gõ. Tạo nên một sự loạn xà ngầu mỗi khi ‘Máy Chạy’
2nd AC hay Clapper Loader là một vị trí cố định. Ở Châu Mỹ kể cả bạn có đến 10 AC đi nữa. Thì 2nd AC vẫn là người chịu trách nhiệm với cái Clapperboard/Slate. Còn lần gần nhất tôi được làm với hệ thống Châu Âu thì công việc đó luôn thuộc về 2nd Best Boy Grip!
Còn chúng ta mỗi khi máy chạy. Sẽ có người lật đật đi tìm cái Slate đâu rồi! Chạy bịch bịch ra trước máy quay, vừa chạy vừa ghi, ghi xong đưa lên đập chưa kịp thở đã rút ra. Ngay sau đó ta nghe một loạt âm thanh hỗn tạp trong đó có cả tiếng ‘chửi’ vì bạn Slate đứng sai vị trí nên không thấy hết đc cái board và thông tin nên thôi “End Slate đi” Bao nhiêu đó mất hết 3 phút. Chưa kể hậu quả là diễn viên mất tập trung, phải lấy tâm lý lại từ đầu. Rồi khi End Slate hay Tail Slate cũng không biết làm sao cho đúng. Tôi dám cá 2 ekip có đến 4 cách gõ Tail Slate.
Chúng ta thật sự nên xem trọng vị trí gõ Slate này. Người gõ Slate/2nd AC phải luôn luôn làm việc thầm lặng nhưng phải cập nhật tình hình liên tục. Máy quay đã thay ống kính gì, quay khung hình như thế nào, với ống kính này ta phải đứng cách xa máy bao nhiêu để máy có thể đọc được, mình đang quay đến scene nào, take thứ mấy rồi,
và quan trọng nhất là nên gõ soft stick hay hard stick! Bao nhiêu lần tôi chứng kiến anh bạn Slate lớ ngớ gõ một cái đùng ngay trước mặt diễn viên đang trong tâm lý căng thẳng, rồi xem như đoàn phim mất 15’ để reset! Chuyện như vậy tuyệt đối không nên xảy ra nữa!
Còn rất nhiều điều chúng ta, các vị trí khác nữa đang làm mà không theo một hệ thống quy củ nhất định nào cả. Tôi viết ở đây không phải để dạy mỗi vị trí phải làm việc như thế nào. Chúng ta không thích hệ Mỹ, hệ Âu và nghĩ rằng chúng ta có thể tạo ra một hệ thống mới cũng được. Nhưng chúng ta nên chọn một cách duy nhất để làm thôi, và làm ơn đào tạo, truyền lại cho các thế hệ trẻ sau này giống y như vậy. Để một khi có sự thay thế diễn ra, nó vẫn đi chung một con đường nhất định nào đó.
Chúng ta mang phim ra thế giới để khoe với nước bạn, nhưng quy trình sản xuất của chúng ta không quy củ, thì một khi đoàn của nước bạn qua làm việc với chúng ta. Ai sẽ là người mất mặt đây?
P/S: một chuyện rất đơn giản hơn chúng ta có thể làm được và làm ngay. Là thống nhất hệ thống bộ đàm cho toàn quốc. Tổ nào sử dụng số nấy và duy nhất số đó từ phim này qua phim khác.
Ví dụ khi tôi làm việc trước giờ vẫn theo thói quen từ hệ thống Châu Mỹ, sử dụng số 1 cho Production, số 6 cho Camera, số 7 cho Ánh Sáng…v…v
Để không còn phải gặp vấn đề không biết tổ này tổ kia số mấy mà liên lạc. Mỗi ngày on set một dự án mới là phải làm lại từ đầu. Hay muốn gọi nhau phải đi đến tận nơi hỏi “Anh ơi, chị ơi…. anh/chị số mấy vậy ạ”. Và để cho bất kỳ một ai tham gia đoàn phim của chúng ta giữa chừng cũng có thể sử dụng được ngay mà không bị lớ ngớ không biết “đoàn này bạn Make-Up dễ thương kia sử dụng số mấy nhỉ….”
Nguồn: Bob Nguyen