DP/DOP: Chúng ta đang “DẠY” theo một cái hệ thống nào vậy?
Tôi từng nói chúng ta hỗn loạn ngay từ công tác đào tạo. Không chỉ hỗn trong việc “DẠY” mà ngay cả người muốn học cũng loạn không kém. Đôi khi vì chúng ta xem thường cái nghề này quá, ai cũng cho làm phim dễ lắm, học chi nhiều!
Chúng ta bây giờ chỉ có một hai nơi để học về điện ảnh. Nhưng nếu bạn dành ba năm tuổi trẻ cắp sách đến trường. Thì những kiến thức đó có đủ để giúp bạn hành nghề hay không? Ai cũng chê, ai cũng nói học ở đây xong có biết gì đâu, học chi cho mệt. Có một sự thật là bạn có đi qua châu Mỹ, châu Âu học xong chưa chắc bạn đã biết hơn người học ở Việt Nam.
Trường dạy điện ảnh nào cũng y như nhau! 100 người đi học, chỉ có 3-5% tốt nghiệp xong là còn làm nghề. Ngày xưa tôi đi học, lớp bắt đầu với 90 người, sau 3 năm tốt nghiệp còn có 30 người. Bây giờ đang đi làm theo nghề còn khoảng 5 người, trong đó chỉ 2 người làm DP. Vậy lỗi tại ai? Lỗi thầy, lỗi cô và có cả lỗi người đi học nữa!
Tôi không phải là người có kiến thức cao, nhưng qua bao lần đi học, tôi cũng nhận thấy được các kiến thức thầy cô dạy ở trường nó chẳng liên quan gì đến thực tế ngoài kia. Vì sự thật là, họ có được cập nhật đâu mà biết. Bạn có học ở Mỹ hay Úc thì cũng vậy thôi, sau khi tốt nghiệp ở Mỹ bạn sẽ tụt hậu hơn đoàn phim ở Mỹ, tốt nghiệp ở Úc xong bạn sẽ tụt hậu hơn đoàn phim ở Úc.
Những người làm nghề chuyên nghiệp, nổi tiếng thì chẳng ai đi dạy. Còn những người đi dạy thì hầu hết không được đi làm nghề. Vì nếu được đi làm nghề, thời gian đâu mà đi dạy. Không phải qua Mỹ là bạn sẽ thấy Roger Deakins ASC BSC hay Quentin Tarantino đứng lớp… Vậy ngày xưa tôi học được gì nhiều nhất ở trường điện ảnh?
Đó là mối quan hệ, sự tự tin và những lần thất bại. Chúng tôi phải mạnh dạn giao lưu và làm việc với sinh viên điện ảnh các trường trong thành phố. Tự kêu gọi các buổi Crew Night, mạnh dạn liên lạc với những người làm nghề có nhiều kinh nghiệm cho phim dự án tốt nghiệp. Chúng tôi trẻ trung, dám trải nghiệm, dám thử thách bản thân mình, chấp nhận thất bại. Ai đứng lên được từ thất bại thì sẽ thành công. Còn sinh viên chúng ta. Tôi thấy các bạn SỢ nhiều hơn.
Lúc Sài Gòn còn được 2 trường điện ảnh. Chưa nói bên nào dạy hay hơn bên nào. Nhưng sinh viên trường này nói chuyện với sinh viên trường kia y như Campuchia nói chuyện với Ấn Độ. Không biết các thầy của hai trường dạy theo giáo án nào, công thức nào, mà không thống nhất được một cái quy củ. Các thầy đi dạy thì SỢ trò biết nhiều, sinh viên đi học thì SỢ mình biết ít quá nên ai không dám hỏi. Đi học chỉ muốn biết đường ngắn nhất, nhanh nhất để ra làm nghề cho nó sớm!
Tôi không dám nói ai dạy đúng hơn ai. Nhưng tôi nghĩ có những thứ chúng ta đang dạy sai! Sai ở đây chưa hẳn là về trang thiết bị, hay lý thuyết. Nhưng tôi cho rằng chúng ta bị loạn về việc phải dạy cái gì! Cái cần dạy thì không dạy, cái không cần thì cứ đè nhau ra nói suốt.
Ví dụ như tại sao lại dạy cho DP về cách sử dụng Menu và Setting của máy quay? Bản thân tôi làm DP còn không biết Menu của những máy tôi sử dụng qua nó nằm ở chỗ nào! Và tôi có cần phải biết không? KHÔNG. Đó là công việc của kỹ thuật máy. Trong khi cái cần dạy là tại sao lại sử dụng loại máy quay này cho yêu cầu hình ảnh của các bạn! Không ai dạy. Dẫn đến việc thiết bị nào mới là muốn sử dụng, tốn tiền sản xuất nhưng không giải thích được tại sao.
Cũng như việc đo sáng, ai cũng biết sử dụng máy đo sáng! Nhưng không ai biết đo sáng để làm gì! Bao nhiêu DP bây giờ cứ cầm cái máy đi đo hết trên trời đến trong kẹt tủ, mà cũng không biết mình đo cái gì và nên quay làm sao! Đo hoài mà hình không đẹp lên miếng nào! Vậy đo làm chi? Làm màu hay để mất thời gian của nhà sản xuất?
Hay có những thứ rất ư là nguyên tắc như: “ống kính Medium là 35mm, Cận là 50 – 85mm”. Làm bao nhiêu đạo diễn đến quay phim cứ áp dụng công thức huyền thoại đó. Trong khi tính chất của từng ống kính thì không bàn kỹ tới. Để mọi người hiểu và áp dụng vào việc kể chuyện tốt hơn. Rồi vẫn y mẫu từ bao năm nay rằng quay ngày thì thông số là phải như thế này, quay đêm là như thế kia, bối cảnh này là phải đặt sáng như vậy…. Tôi không nghĩ đó là một cách dạy hay.
Bao năm qua chúng ta nhân bản ra được hàng tá THỢ, như một dây chuyền sản xuất đưa ra hàng trăm, hàng ngàn miếng bánh y chang nhau. Thử lấy ngẫu nhiên 10 phim điện ảnh Việt Nam bất kỳ gần đây, liệu chúng ta có chỉ ra được rằng DP nào, Đạo diễn nào làm phim nào không? Làm sao mà chỉ được! Vì 10 phim, phim nào cũng có một style hình ảnh y chang!
Vậy mới có chuyện bước chân ra Rạp, chúng ta XEM phim theo thể loại: Phim Hành động, Phim Kinh dị, Phim Tình cảm, Phim Hài … và Phim VIỆT NAM.
Đôi khi chính những người đang làm nghề bây giờ còn không chịu học, không chịu tiếp thu cái mới, thì cả một thế hệ trẻ chúng ta lấy ai mà học theo. Các anh các chị đang là một thế hệ dẫn đường nhưng các anh/chị không cùng nhau làm đúng. Có lẽ vì cái tôi của họ quá lớn hay có lẽ vì tư tưởng “nào giờ anh/chị vẫn làm 1 năm 3-4 phim mà, học chi nữa”.
Tại sao vậy? Chúng ta không muốn phim sau của mình hay và tốt hơn phim trước hay sao? Hay vì chúng ta quá tự hào với thể loại “riêng” là PHIM VIỆT NAM, cho nên có bất kỳ sáng tạo đột phá nào đều bị cho là “Thôi… vậy nó không hợp với phim Việt đâu em ơi.”
Còn tệ hơn nữa, là những người làm nghề trẻ tuổi bây giờ đang bị ảo tưởng hoá về khả năng của mình. Các sản phẩm của đạo diễn trẻ bây giờ được đánh giá bằng lượt view. Rồi mạng xã hội đưa đẩy họ lên một vị trí cao ngút, mời làm giảng viên của các buổi workshop, rồi giám khảo của các cuộc thi… Còn các bạn sinh viên thì mờ mắt tin sái cổ. Hoặc hôm nay có Cô Năm đăng lên mạng xã hội thông tin này, ngày mai có Thầy Bảy khoe về cách làm kia. Chưa ai biết đúng hay sai, hay có phù hợp với những gì mình đang theo đuổi hay không thì đã ùa nhau theo.
Tôi tin rằng chúng ta đã từng có một hệ thống, một hệ thống đàng hoàng tuy không hoàn hảo. Còn bây giờ chúng ta đang giao tương lai, và thế hệ trẻ chúng tôi cho những người không xứng Tâm và Tầm! Nếu không có sự chọn lọc thì mấy năm nữa điện ảnh ta sẽ lại xuất hiện vài chục phim chuyển thể từ MV triệu views!
Nguồn từ Facebook của Bob Nguyen