Chuyển động trong quay phim

(iFilmmaking.net) Đặc trưng của hình ảnh video khiến nó khác với nhiếp ảnh là tính động trong khuôn hình. Mỗi chuyển động đều được tính toán có chủ ý để giúp hình ảnh trở nên sống động, tạo tiết tấu cho phim hoặc mang đến một ý nghĩa ẩn dụ nào đó của đạo diễn. Bạn có thể giữ khán giả ngồi yên ở vị trí của họ nếu chuyển động diễn ra liên tục trên màn hình.

Có nhiều yếu tố tạo ra tính động, trong đó hai yếu tố chính mà người làm phim cần nắm được là: chuyển động của nhân vật/ đối tượng trong cảnh và chuyển động của camera! 

Nhân vật chuyển động

Thông thường, với những cảnh có chuyển động của nhân vật, nhóm sản xuất sẽ dàn dựng (staging) để việc di chuyển đó không vượt quá bố cục khuôn hình (và phá vỡ nó). Họ sẽ đánh dấu các ví trí bắt đầu và kết thúc của một di chuyển để khóa (blocking) nó trong một giới hạn nhất định. Việc dàn dựng này có thể giúp thu hút sự chú ý của khán giả vào nhân vật, cũng như giúp duy trì không gian và định hướng cho họ.

Việc quyết định cảnh quay động hay tĩnh cũng tùy thuộc vào ý đồ của đạo diễn. Các cảnh quay tĩnh với nhân vật không chuyển động có ngôn ngữ riêng của chúng: thể hiện sự bất lực, sự câm lặng, sự tĩnh lặng, sự suy tư, … và truyền tải đến người xem rất nhiều cảm xúc mạnh. 

Còn với cảnh quay có chuyển động của nhân vật, nếu được tính toán hợp lý, cũng mang nhiều hiệu ứng cảm xúc và ý nghĩa ẩn chứa. Ví dụ: nếu diễn tả nhân vật ra đi thì sẽ để cho di chuyển từ trái sang phải khung hình, diễn tả trở về thì ngược lại; nếu muốn diễn tả sự tiến tới, vươn lên tốt đẹp thì sẽ cho nhân vật di chuyển lên dốc/các bậc thang, còn ngược lại thì cho đi xuống phía dưới (trong phim “Ký sinh trùng” thể hiện điều này rất rõ).

Cảnh trong phim Parasite (Ký sinh trùng)

Camera chuyển động

Có hai kiểu camera chuyển động: (1) camera chuyển động trong khi nhân vật không chuyển động; (2) cả camera và nhân vật đều chuyển động. 

Dù là kiểu nào thì việc chuyển động camera phải giúp hình ảnh sống động hơn trong việc kể chuyện. Và nó phải chuyển động một cách “vô hình” – nghĩa là chuyển động ẩn, không để khán giả phát hiện ra có mặt của camera trong cảnh.

Có 3 loại chuyển động camera “vô hình”: khách quan (externally), chủ quan (internally) và cảnh thiết lập (establishing shots). 

Khách quan có nghĩa camera đóng vai trò như con mắt của người xem đứng ngoài nhìn vào/quan sát vào câu chuyện trong phim. Nó thường mượt mà và làm đã mắt khán giả.

Chủ quan có nghĩa các chuyển động camera thể hiện cái nhìn/góc nhìn hoặc tâm lý của chính những nhân vật trong phim. Nó thường được dùng thể hiện tâm lý nhân vật: lo sợ, hồi hộp, quay cuồng, …

Cảnh thiết lập là các cảnh dùng để giới thiệu không gian, địa điểm diễn ra câu chuyện phim. Nó thường được dùng ở đầu các scene.

Một cảnh quay có camera chuyển động thường đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn trong sản xuất, đặc biệt là đối với team quay phim (CamOp, Focus Puller, …).

Trong truyền hình hoặc sản xuất video, camera chuyển động mang đến tính động liên tục cho hình ảnh. Đối với phim, mỗi chuyển động của camera đều được tính toán và có dụng ý, ý nghĩa nhất định. 

Dưới đây là một số loại chuyển động của camera được dùng trong làm phim.

Pan/Tilt

Pan là viết tắt của panoramic (toàn cảnh), là thuật ngữ dùng để chỉ chuyển động theo trục ngang của camera (trái-phải, phải-trái) mà không thay đổi vị trí của camera. 

Tilt là thuật ngữ dùng để chỉ chuyển động theo trục dọc của camera theo (trên-dưới, dưới-trên) mà không thay đổi vị trí của camera. 

Do đó pan còn gọi là lia máy ngang, tilt gọi là lia dọc. Pan khá dễ thực hiện khi đặt camera trên một đầu camera (camera head) gắn với tripod hoặc dolly. 

Ngoài ra còn có có thể kết hợp kết hợp cả pan và tilt trong một cảnh quay – lia chéo.

Pan/Tilt khi kết hợp với Move in/out.

Move in/ move out

Thuật ngữ đồng nghĩa của move in/move out là push-in (đẩy vào)/pull-out (kéo ra), dùng để chỉ việc di chuyển camera gần về phía/ hoặc lùi ra xa nhân vật.

Di chuyển vào hoặc ra khỏi cảnh là những cách kết hợp cảnh quay rộng của một scene với một cảnh quay chặt chẽ hơn. Nó có tác dụng tập trung sự chú ý của người xem hơn so với việc sử dụng hai cảnh quay ở hai cỡ khác nhau ghép lại.

Tất nhiên, có vô số công dụng của move in/ out. Chúng ta có thể lùi lại (move out) khi nhân vật di chuyển ra khỏi scene hoặc khi có một nhân vật khác bước vào. Ngược lại, khi ai đó rời khỏi một cảnh, một động tác đẩy vào tinh tế có thể làm họ khuất khỏi khung hình.

Ngoài ra còn có move around – máy quay di chuyển xung quanh nhân vật. Chuyển động này làm cho hậu cảnh luôn thay đổi (và bị blur) mang lại rất nhiều tính động cho cảnh quay.

Có thể sử dụng dolly, gimbal, truck để thực hiện một cảnh chuyển động move in/ out/ around.

Crane thường dùng để quay các cảnh thiết lập (establishing shots).

Zoom

Zoom in (phóng to) hoặc zoom out (thu nhỏ) là sự thay đổi quang học của độ dài tiêu cự ống kính. Zoom tạo cảm giác chuyển động vì nó làm thay đổi cỡ khung hình dù không di chuyển camera. Khi sử dụng tính năng zoom, điều quan trọng là nó phải tạo ra tiết tấu cho cảnh quay. 

Thông thường, nên ẩn zoom khi sử dụng. Ẩn zoom là một nghệ thuật: sử dụng zoom kết hợp với một chuyển động nhẹ của camera (pan, tilt, move in/out) hoặc với chuyển động của diễn viên sao cho không gây chú ý.

Ống kính CHIOPT Extremer Compact Zoom 28-85mm/T3.2

Sự khác biệt giữa Zoom và Move in/out

Giả sử bạn muốn chuyển từ góc rộng hoặc trung bình đến cận cảnh trong khi chụp. Về mặt nào đó, dường như không có sự khác biệt giữa việc move in và zoom in. Trên thực tế, chúng khác nhau về mặt thấu thị hình ảnh.

Thứ nhất, zoom thay đổi góc nhìn từ góc rộng (với tiêu điểm sâu và bao gồm hậu cảnh) thành góc hẹp (với tiêu điểm nông và rất ít hậu cảnh). Nó làm thay đổi độ sâu trường ảnh. 

Thứ hai, khi zoom, khoảng cách và điểm nhìn cơ bản của bạn vẫn giữ nguyên vì camera không di chuyển. Khi move in, khoảng cách giữa camera và chủ thể sẽ thay đổi – thu hẹp lại – và làm cho hậu cảnh lùi ra xa chủ thể. Điều này làm tăng thêm cảm giác chuyển động và khung hình cũng kết thúc với nền hoàn toàn khác với lúc bắt đầu. 

Điều này không đồng nghĩa với ý không bao nên sử dụng zoom, điều quan trọng là bạn phải hiểu sự khác biệt giữa chúng và những hiệu quả hình ảnh mà mỗi loại chuyển động mang lại cho cảnh của bạn. Nhiều người cũng sẽ “ẩn” thu phóng bằng cách thực hiện một số kiểu di chuyển khác cùng lúc để thu phóng không bị chú ý.

Tracking

Tracking là di chuyển camera theo một nhân vật đang di chuyển. Thông dụng nhất là của tracking là chúng ta di chuyển camera cùng chiều chuyển động của nhân vật, khoảng cách giữa camera và nhân vật không đổi, cỡ khung hình không đổi.

Một biến thể khác của tracking là di chuyển camera cùng chiều với nhân vật, nhưng khoảng cách thay đổi và cỡ khung hình thay đổi.

Camera Tracking

Vẫn là tracking, nhưng nếu chúng ta di chuyển camera ngược với chiều di chuyển của nhân vật, thì được gọi là countermove. Khi sử dụng countermove, tốc độ di chuyển của nhân vật và hậu cảnh trong cảnh quay sẽ tăng gấp đôi.

Một vài biến thể của countermove có thể kể đến như: cho camera di chuyển quanh nhân vật, cho camera di chuyển qua trục chuyển động của nhân vật.

Countermoving

Tạm kết

Nắm được những điều cơ bản về chuyển động trong làm phim là rất cần thiết. Bạn có thể sử dụng 1 trong 4 loại chuyển động của camera trên hoặc kết hợp chúng lại trong cùng một cảnh quay. Bạn cũng có thể kết hợp cả chuyển động camera với chuyển động của nhân vật.

Những thiết bị hỗ trợ chuyển động cho camera ngày càng hiện đại và dễ dùng, nhờ đó, chuyển động camera đang được sử dụng ngày càng nhiều trong trong các cảnh quay. Nhưng hãy nhớ đừng có lạm dụng nó một cách thái quá.

Ngoài chuyển động của nhân vật, chuyển động của camera, còn có một yếu tố khác tạo ra tính động cho khuôn hình: đó là những hiện tượng tự nhiên sẵn có. Nó bao gồm: các hiện tượng thời tiết (mưa, tuyết, bụi, khói, mây, …), những dòng chảy của chất lỏng (nước, nham thạch, …), …

Hãy nhớ: “Bạn có thể giữ khán giả ngồi yên ở vị trí của họ nếu chuyển động diễn ra liên tục trên màn hình.”