Video 201: Góc máy quay

Góc máy quay hay góc máy (camera angle) là thuật ngữ dùng để chỉ vị trí đặt máy để ghi hình nhân vật. Nó không chỉ đơn thuần là một lựa chọn về mặt ký thuật trong quay phim mà còn là một yếu tố mang tính mỹ thuật. Các góc máy khác nhau sẽ truyền tải những ngôn ngữ nghệ thuật khác tới người xem.

Rõ ràng là không phải lúc nào chúng ta cũng ghi hình nhân vật ở góc chính diện: nhận vật đối mặt với ống kính máy quay. Bởi quay như thế, dù có thay đổi cỡ cảnh, đúng các quy tắc về headroom, hướng nhìn thì chúng ta vẫn chỉ các được các cảnh quay ở cùng một góc độ, trông sẽ rất nhàm chán. 

Bởi vậy, chúng ta cần phải thay đổi vị trí đặt máy để có được các góc nhìn khác. Các góc máy khác sẽ tạo ra các cảnh quay hoàn toàn khác, khiến người xem luôn có được những thông tin mới trong những cảnh quay, và họ không bị nhàm mắt. 

Các góc quay khác nhau còn giúp cảnh quay trông đẹp hơn, hoặc truyền tải một ngôn ngữ về mặt nghệ thuật nào đó của đạo diễn.

Dựa vào mối tương quan giữa máy quay và nhân vật, với nhân vật là trung tâm, góc máy được phân chia thành 2 loại: góc máy ngang & góc máy dọc.

Góc máy ngang

Hãy hình dung đến một hình tròn, nhân vật đứng ở tâm của hình tròn đó. Chúng ta hãy thay đổi vị trí của máy xung quanh tâm để có được các góc quay khác nhau của nhân vật. Những góc máy này được gọi là góc máy ngang. 

Vì có 360° trong một hình tròn, nên người ta sử dụng số độ để làm tên gọi cho các góc máy ngang. Góc đối diện mặt nhân vật là góc 0°. Máy quay di chuyển vòng tròn về bên trái hoặc bên phải nhân vật sẽ tạo ra các góc máy 45°, 90°, 180°. 

Bạn cũng có thể hình dung vòng tròn giống như một chiếc đồng hồ hình tròn, nhân vật đứng giữa và các vị trí máy là các con số chỉ giờ. Theo cách hình dung này, máy đặt ở 6 giờ là chính diện nhân vật, ở 3 giờ là góc trái nhân vật, ở 9 giờ là góc phải nhân vật, ở 12 giờ là đằng sau nhân vật.

Góc máy ngang. Nguồn: Roy Thomson

Rất nhiều người sử dụng cách gọi đơn giản dựa vào vị trí của camera xoay quanh nhân vật, ví dụ: góc trước, góc 3/4 trước trái, góc 3/4 phải, góc 3/4 sau và góc sau.

Các góc máy ngang thuận/phải (Camera’s horizontal arc along positive angles). Nguồn: Roy Thomson
Các góc máy ngang ngược/trái (Camera’s horizontal arc along negative angles). Nguồn: Roy Thomson

Thông thường, góc chính diện (0°) được sử dụng nhiều nhất trong truyền hình: MC, phóng viên dẫn, phỏng vấn, … Còn trong sản xuất phim khác, góc máy chính diện thường dùng khi nhân vật tiến thẳng (đi, chạy hoặc lái xe) về ống kính máy quay để tạo cảm giác nhân vật đang di chuyển thật, và đôi khi kết hợp với góc máy dọc tạo ấn tượng về thị giác cho người xem.

Mặt trước 3/4 (hay 3/4) là góc phổ biến nhất khi quay nhân vật trong làm phim. Nó cung cấp cho khán giả một cái nhìn rõ ràng về khía cạnh của nhân vật để có thể nhìn thấy rõ ràng các nét mặt, cử chỉ tay và những thứ tương tự. Nó cũng tạo cảm giác chiều sâu cho khung hình. Khi chụp cận cảnh khuôn mặt người, nó làm nổi bật các đường nét và độ sâu của cấu trúc khuôn mặt (mắt, mũi, miệng, xương gò má, chân mày, hàm, tai, v.v.).

Góc 3/4 trước bên trái. Nguồn: Roy Thomson

Khi sử dụng góc 3/4 sau hoặc góc sau, hay quay qua vai (over-the-shounder – OTS), camera bắt qua vai của nhân vật sẽ đưa đến cho khán giả những cảm quan giống với của nhân vật. Ở góc quay này, dù không nhìn thấy khuôn mặt và biểu cảm của nhân vật, nhưng vì khán giả được đặt vào cảnh quay từ điểm nhìn của nhân vật (point-of-view – POV), nên khán giả được khuyến khích thực hiện suy nghĩ và gắn cảm xúc cho nhân vật như thể họ đang chính là nhân vật vậy. Đây được gọi là góc máy khách-chủ quan. Khán giả sẽ được nhìn thấy trực tiếp những gì nhân vật nhìn thấy. Và ở cảnh tiếp theo, họ sẽ muốn hoặc là cận cảnh thứ mà nhân vật đang nhìn, hoặc là cảm xúc của nhân vật với thứ đó.

Góc 3/4 sau bên trái. Nguồn: Roy Thomson

Hãy luôn nhớ kết hợp góc 3/4 với quy tắc bố cục ở bài trước để có được một khung hình hài hòa cho thị giác.

Góc máy dọc

Nếu góc máy ngang là tương quan giữa vị trí camera xung quanh nhân vật theo được nhìn từ trên cao xuống theo chiều ngang, thì góc máy dọc là tương quan giữa độ cao của máy với tầm nhìn của nhân vật theo chiều dọc.

Tất cả các góc máy ngang được bàn thảo ở phần trên đều có điểm chung: độ cao của camera và độ cao của đầu nhân vật là bằng nhau, nghĩa là cùng nằm trên một mặt phẳng song song với mặt đất. Đây là nguyên tắc chung được áp dụng cho tất cả các cảnh quay.

Nguyên tắc ở đây chính xác là: luôn luôn điều chỉnh sao cho độ cao của ống kính máy quay ngang bằng với độ cao của mắt nhân vật. 

Việc này sẽ tạo cái nhìn trung lập, khách quan cho người xem. Camera được đặt để thuần quan sát (người, hành động hoặc sự kiện) từ cùng độ cao với nơi người đó tồn tại hoặc nơi diễn ra hành động. Hình ảnh thu được sẽ cho khán giả cảm giác bình đẳng với các nhân vật về mối liên hệ. 

Khi bạn nâng độ cao camera lên trên nhân vật hoặc hạ độ cao camera xuống dưới tầm nhìn của họ, bạn bắt đầu tạo ra một góc nhìn không còn khách quan bình đẳng nữa. Nó sẽ tạo ra và đưa tới người xem những cảm xúc khác nhau. Đạo diễn, DP khi sử dụng góc máy cao hoặc thấp đều được tính toán trước với ý đồ nghệ thuật cho từng cảnh quay.

Góc máy dọc: cao – tự nhiên – thấp. Nguồn: Roy Thomson

Góc máy cao

Góc máy có vị trí đặt cao hơn tầm nhìn của nhân vật được gọi là góc máy cao. Ngôn ngữ của một cảnh quay ở góc cao là cho người xem hiểu rằng những người họ đang nhìn thấy trên màn hình là nhỏ hơn, yếu hơn, nhỏ bé hơn hoặc hiện đang ở một vị trí kém mạnh mẽ hơn. Nhân vật như bị đè xuống, nén xuống làm cho người đó có vẻ thấp hơn hoặc nhỏ hơn.

Nếu cảnh quay ở góc cao thể hiện góc nhìn từ một nhân vật khác, thì ý nghĩa ngụ ý là nhân vật ở trên cao hơn trong thế giới của phim đang nhìn xuống nhân vật kia theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Ta thường dùng góc POV này cho người có vị thế, quyền lực như vua/sếp/chính trị gia, người khổng lồ, sinh vật bay hoặc tàu ngoài hành tinh. 

Góc máy cao. Nguồn: Roy Thomson

Tất nhiên, góc máy cao đôi khi chỉ đơn giản thể hiện cái nhìn của một nhân vật đang đứng ở vị trí địa lý cao hơn (trên tầng, trên nóc nhà, …) nhìn xuống người/vật thể ở vị trí địa lý thấp hơn (dưới mặt đất, dưới hố, …)

Một biến thể của góc máy rất cao còn được gọi là bird eye – góc nhìn của chim. Thường được thực hiện bằng thiết bị bay không người lái (drone/flycam). 

Góc máy thấp

Ngược lại với góc máy cao là góc máy thấp – cả về vị trí lẫn ý nghĩa. Khi này, vị trí của máy quay sẽ thấp hơn cái nhìn của nhân vật. Nhân vật nhìn từ dưới trở nên to lớn hơn, quyền lực hơn, mạnh mẽ hơn, uy nghi và bề thế.

Góc thấp khi quay POV cũng ngụ ý rằng người thực hiện quan sát ở góc thấp đó nhỏ hơn, yếu hơn hoặc ở một vị trí dễ bị tổn thương hơn. Ta thường dùng góc POV này cho người thấp cổ bé họng như dân, nhân viên, nô lệ, người làm thuê, …

Góc máy thấp. Nguồn: Roy Thomson

Tất nhiên, góc máy thấp đôi khi chỉ đơn giản thể hiện cái nhìn của một nhân vật đang đứng ở vị trí địa lý thấp hơn (dưới hố/hàm, dưới đất, …) nhìn lên người/vật thể ở vị trí địa lý cao hơn (trên mặt đất, trên đồi, trên tầng, …)

Một biến thể của góc máy rất thấp còn được gọi là worm eye – góc nhìn của sâu. Khi này, máy quay thường được đặt sát mặt đất, thậm thí thấp hơn cả mặt đất.