Video 201: Bố cục khung hình với người
Khung hình và bố cục
Khung hình chính là phần hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy trong ống ngắm, hoặc màn hình hiển thị trên camera, (thường) được phân định bằng cách đường kẻ xung quanh tạo thành một khung ranh giới – khuôn hình. Nhắc đến khung hình, chúng ta hãy nghĩ đến tỉ lệ khung hình – một khái niệm đã từng được chia sẻ trong series video 101 trên iFilmmaking.
Khung hình thường là những cài đặt sẵn có trên camera do nhà sản xuất thiết lập, người dùng chỉ đơn giản là chọn tỉ lệ phù hợp với mục đích của từng dự án để sử dụng.
Bố cục khung hình là tất cả những gì nằm bên trong khung hình, được sắp xếp theo chủ ý của người quay phim nhằm gây sự chú ý và mang đến/tạo ra cảm xúc nhất định đến người xem. “Những gì” ở đây bao gồm: nhân vật, sự vật, trang phục, đạo cụ, ánh sáng, màu sắc, đường nét và cả những chuyển động.
Bố cục khung hình không phải do nhà sản xuất camera thiết lập, mà hoàn toàn do nhà quay phim/đạo diễn hình thiết lập và quyết định. Nó tạo ra yếu tố mỹ thuật/nghệ thuật cho hình ảnh. Nó khiến cho hình ảnh mang trong mình một ngôn ngữ truyền tải đến người xem.
Do được tạo bởi sự chủ quan, nên không có một quy chuẩn bố cục nào buộc người quay phim phải nhất nhất tuân theo. Mỗi nhà quay phim có thể bố cục các nhân vật, sự vật trong khung hình theo bất cứ cách thức nào họ muốn. Miễn là cách sắp xếp đó thể hiện và truyền tải được ý đồ mỹ thuật/nghệ thuật của họ đến người xem.
Tuy nhiên, vẫn có một vài những cách bố cục thường được sử dụng trong quay/chụp được ngầm hiểu là quy tắc. Những người mới bắt đầu có thể xem những quy tắc ngầm định này là những gợi ý để bắt đầu. Từ đó họ có thể sáng tạo ta các cách bộ cục cho riêng mình. Dưới đây là những quy tắc bố cục khung hình đối với các cảnh quay có con người.
Bố cục khung hình với người
Hướng nhìn trong khung hình
Trong các cảnh chứa nhân vật là người mà đầu của nhân vật không đối diện với người xem, không nên để nhân vật ở chính giữa khung hình.
Để khoảng không phía trước mặt nhiều hơn phía sau thì hình ảnh sẽ mang ý nghĩa: mong đợi, tự nhiên, có lối thoát, tiến lên, thoải mái, tích cực.
Để khoảng không phía trước mặt ít hơn phía sauthì hình ảnh sẽ mang ý nghĩa: bế tắc, đường cùng, ngột ngạt, kết thúc, tiêu cực.
Hướng di chuyển từ trái qua phải khung hình mang ý nghĩa ra đi, thoát khỏi, đi tới. Hướng di chuyển từ phải qua trái khung hình mang ý nghĩa trở về, trở lại, quay lại.
Trong một cảnh đối thoại, hành đồng có sự đối nghịch về tính cách nhân vật: nhân vật bên trái mang ý nghĩa phản diện, nhân vật bên phải mang ý nghĩa lẽ phải.
Head room | Khoảng trống trên đầu
Thuật ngữ head room dùng để chỉ khoảng không gian giữa đỉnh đầu của một người với cạnh trên của khung hình. Khoảng không này có thể thay đổi tùy thuộc vào cỡ cảnh quay, nhưng trong hầu hết các cảnh quay, khoảng không trên đầu phải được tính toán để đỉnh đầu của nhân vật không bị cắt bỏ.
Có thể dễ dàng xác định được khoảng trống bao nhiêu trong bất kỳ cỡ cảnh nào nếu bạn tuân theo một quy tắc đơn giản: chia màn hình thành ba phần bằng nhau theo chiều ngang (thường là trong trí tưởng tượng của bạn), hãy cố gắng đưa mắt của nhân vật vào/ hoặc gần đường 1/3 trên cùng.
Đối với các cận cảnh quá mức mà người quay phải đưa ra quyết định nên giữ đỉnh đầu hay cằm, thì hãy giữ lấy phần cằm và cắt bỏ đỉnh đầu. Bởi vì trong khi đỉnh đầu chỉ chứa tóc/mũ, thì cằm là một phần của khuôn mặt. Ngoài ra, khi nhân vật nói/thoại, cằm sẽ chuyển động giúp khung hình sinh động.
Head room được áp dụng cho bất kỳ cảnh quay nào mà con người là thành phần chính. Nếu có một số người có chiều cao khác nhau, bạn phải chọn một người – có lẽ là nhân vật cao nhất hoặc quan trọng nhất trong cảnh.
Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc về head room khi đối tượng của bạn là động vật, thực vật hoặc thậm chí là đồ vật. Tuy nhiên, vì những đối tượng này thường có hình dạng khá khác so với con người nên bạn được phép thoải mái đưa ra khoảng không phù hợp.
Trường nhìn khung hình/Cỡ cảnh
Trường nhìn (field of view) của khung hình chính là thuật ngữ dùng để chỉ “cỡ cảnh” ở Việt Nam. Nó dùng để truyền đạt ý nghĩa về độ rộng/xa hoặc độ hẹp/gần của một cảnh quay, khi có sự xuất hiện của con người ở trong đó.
3 cỡ cảnh cơ bản:
- Toàn cảnh (Long shot – LS): Nhân vật lấp đầy khung hình một cách thoải mái, với khoảng trống trên đầu thích hợp và một khoảng trống nhỏ bên dưới đối tượng. Cỡ cảnh này sẽ cung cấp cho người xem nhận biết về hình dáng, trang phục và một những hành động từ tay, chân của nhân vật.
- Trung cảnh (Medium shot – MS): khoảng một nửa trên nhân vật xuất hiện trong khung hình. Trung cảnh cho người xem cái nhìn tổng quan về khuôn mặt nhân vật, màu/kiểu tóc, lông mày, môi, … cũng như các hoạt động của đôi tay (nếu có).
- Cận cảnh (Close-up – CU): khoảng 1/3 phía trên nhân vật xuất hiện trong khung hình. Cận cảnh cung cấp thông tin chi tiết hơn về khuôn mặt cho người xem: màu mắt, kiểu môi, nốt ruồi/sẹo trên mặt. Nó cũng thể hiện những biểu cảm bày tỏ thái độ, cảm xúc của nhân vật: nhíu mày, mỉm cười, chăm chú, lơ đãng, buồn, vui, …
Các cỡ cảnh mở rộng:
- Toàn cảnh cực rộng (Extreme long shot – XLS/ELS): có khung hình rộng hơn LS. XLS được sử dụng để thiết lập về địa điểm bên ngoài trời có không gian rộng lớn. Nhân vật xuất trọn như một phần nhỏ của khung hình bên cạnh nhiều nhân vật, đồ vật, sự vật khác.
- Toàn cảnh rộng (Very long shot – VLS) giống như XLS, VLS được dùng để thiết lập địa địa điểm trong những không gian hẹp hơn, có thể là ngoại cảnh hoặc bên trong các nhà kho, xưởng, văn phòng, …
- Trung cảnh rộng (Medium long shot – MLS), cũng gọi là toàn cảnh hẹp, là cỡ cảnh nằm giữa LS và MS.
- Trung cảnh hẹp (Medium close-up – MCU), cũng gọi cận cảnh rộng, là cỡ cảnh nằm giữa MS với CU.
- Cận cảnh hẹp (Big close-up – BCU): khoảng 1/4 kích thước của nhân vật được xuất hiện trong khung hình.
- Cận cảnh đặc tả (Extreme close-up XCU/ECU): hơn 1/4 kích thước của nhân vật được xuất hiện trong khung hình. Đúng như tên gọi, cảnh cận này dùng để đặc tả một chi tiết/bộ phận nào đó nhằm tạo ấn tượng đến người xem về mặt cảm xúc.
Trong ngôn ngữ của sản xuất phim và video, người ta thường dùng các ký tự viết tắt của các cỡ cảnh: XLS/ELS, LS, MS, MCU, CU, ECU để thay thế khi nói đến các cỡ cảnh. Do đó, nếu gặp các ký hiệu viết tắt này trong kịch bản, kịch bản quay, … thì người quay phim phải hiểu nó là gì để bố cục cho đúng.
Lưu ý quan trọng: Khi bố cục ở các cỡ cảnh từ MLS (trung cảnh rộng) đến BCU (cận cảnh hẹp), tuyệt đối không cắt nhân vật ở những khớp nối trên cơ thể họ. Bởi khi cắt ở những vị trí này sẽ tạo cảm giác nhân vật bị khiếm khuyết.
Quy tắc 1/3 (The Rule of Thirds)
Quy tắc 1/3 bắt đầu bằng cách chia (trong tưởng tượng) khung hình thành 3 phần theo chiều ngang và chiều đứng bằng các đường thẳng. Theo đó, ta sẽ có 4 đường thẳng và chúng sẽ tạo ra 4 điểm giao nhau trong khung hình.
4 đường và 4 điểm này được gọi là đường mạnh và điểm mạnh của khung hình. Khi bố cục, hãy đặt chủ thể, nhân vật hoặc các điểm quan tâm chính vào/trên đường mạnh và điểm mạnh sẽ tạo được sự chú ý tới người xem.
Đây là một nguyên tắc đơn giản nhưng lại hiệu quả cho bất kỳ bố cục khung hình nào. Quy tắc 1/3 đã được nhiều nhà quay phim sử dụng như là một kim chỉ nam trong bố cục khung hình.
Tổng kết
Những quy tắc bố cục khung hình với các cảnh quay có con người được chia sẻ bên trên có thể áp dụng với bất cứ tỉ lệ khung hình (aspect ratio) nào, dù đó là 1,33:1 (SD), 1,78:1 (HD), 1,85:1 (rạp) hay 2,40:1 (anamorphic).
Các quy tắc về hướng nhìn, khoảng trống và 1/3 đúng với tất cả các tỉ lệ khung hình.
Các quy tắc về trường nhìn/cỡ cảnh thì tùy vào từng tỉ lệ khung hình và yêu cầu của cảnh quay để lựa chọn cỡ cảnh sao cho phù hợp. Tuy nhiên vẫn phải dựa trên 3 cỡ cảnh chính là: toàn cảnh, trung cảnh và cận cảnh.
Được xây dựng cho các cảnh quay có con người, song các quy tắc này cũng có thể áp dụng trong các cảnh quay mà chủ thể chính là động vật, thực vật hay đồ vật.