Bố cục khuôn hình: Tiền cảnh/ Trung cảnh/ Hậu cảnh & chiều sâu

Các đường chéo giúp thu hút ánh nhìn của người xem vào khuôn hình video. Phần không gian trong khuôn hình được chia thành ba khu vực, tính từ vị trí gần ống kính camera ra lần lượt là: tiền cảnh (foreground – FG), trung cảnh (middle ground – MG) và hậu cảnh (background – BG). 

Cùng với hai cạnh bên của khung hình, chúng giúp hình thành nên không gian ba chiều cho khuôn hình phim: chiều cao, chiều rộng và chiều sâu.

Tiền cảnh (foreground)

Như tên của nó, tiền cảnh là vùng gần ống kính, là khoảng không tính từ ống kính camera đến chủ thể chính trong khung hình. Để tập trung sự chú ý của người xem vào chủ thể thì không nên để thứ gì trong không gian này, thường thì nó là một vùng trống không. 

Tuy nhiên, với một người quay phim sáng tạo, có thể chọn đặt một thứ gì đó trong không gian đó: một nhánh lá, một cành hoa, … để giúp nâng cao bố cục hình ảnh và không được che khuất chủ thể chính ở phía sau.

Đối tượng có thể giúp thiết lập môi trường (một cành cây, bờ rào, …), có thể là một hình dạng trừu tượng (một phần của bức tường hoặc một băng ghế công viên) và cũng có thể mang ý nghĩa cho câu chuyện (một dấu hiệu dừng lại ở ngã tư). 

Dù đối tượng là gì và mục đích là gì, bạn nên cố gắng hết sức để không có các yếu tố tiền cảnh tùy tiện hoặc ngẫu nhiên vì chúng có thể khiến người xem mất tập trung vào các chi tiết quan trọng hơn được dàn dựng ở khu vực sâu hơn – nằm trong phần trung cảnh của bạn.

Nguồn: Roy Thomson

Trung cảnh (middle ground)

Xếp theo khoảng cảnh với ống kính camera, tiếp sau tiền cảnh sẽ đến khu vực giữa – trung cảnh (middle ground). Trong tất cả các cảnh quay, những gì là chính và quan trọng nhất sẽ nằm ở phần chính giữa của cảnh, hay trung cảnh (middle ground). 

Đây là khu vực bạn để cho nhân vật của mình diễn: một cuộc hội thoại, một màn đánh đấm, một cặp đôi khiêu vũ, … hoặc một chiếc ô tô dừng trước vạch khi đèn chuyển đỏ. Tất cả hoặc hầu hết các hành động vật lý diễn ra đều có thể nhìn thấy ở phần trung cảnh trong khung hình. Khán giả sẽ nhận được tất cả thông tin mà nhà làm phim muốn truyền tải thông qua phần trung tâm của cảnh quay. 

Khu trung cảnh sẽ dễ dàng thiết lập hơn trong các cỡ trung bình (MS) và cỡ cảnh rộng (LS). Những cận cảnh (CU) sẽ khó thiết lập sự rõ ràng của 3 lớp cảnh, nhưng vẫn có thể thực hiện được nếu bạn lập kế hoạch tốt. (Xem lại về các loại cỡ cảnh trong bài Bố cục khuôn hình với người).

Nguồn: Roy Thomson

Hậu cảnh (Background)

Lớp cảnh kế tiếp tiền cảnh và trung cảnh là hậu cảnh – bao gồm mọi thứ đằng sau trung cảnh cho đến vô cực. Tất nhiên, nếu bạn đang quay bên trong một nhà hàng thì sẽ không có “vô cực” mà không gian vật lý đằng sau hành động chính được ghi lại sẽ là hậu cảnh. Những khách hàng khác ăn uống, nhân viên phục vụ đi lại và bức tường ở cuối phòng đều trở thành một phần của hậu cảnh của cảnh quay. 

Hậu cảnh có thể khô khan (như những đụn cát của sa mạc) hoặc nhộn nhịp (như sự náo động dọc theo đại lộ của thành phố). Khi on-set, chúng ta có thể bị giới hạn (dễ hoặc khó) trong khả năng kiểm soát hậu cảnh, nhưng luôn nhớ: không được để hậu cảnh lấn át hành động chính ở trung cảnh. 

Để tránh sự tập trung của người xem vào tiền cảnh và hậu cảnh, người ta thường sử dụng các kỹ thuật để làm mờ (blur) hai lớp cảnh này đi (bằng khoảng cảnh và lựa chọn lens). Chỉ có lớp cảnh chính ở trung tâm là rõ nét nhất để người xem dễ tập trung.

Những tín hiệu chiều sâu (Depth Cues)

Sự kết hợp của các yếu tố tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh giúp tạo ra ảo giác về ba chiều trên khung phim 2D. Chúng ta thực hiện điều này bằng hai cách. 

Đầu tiên, chúng hoạt động giống như các lớp. Cành cây ở tiền cảnh sẽ che khuất một phần các yếu tố của trung và hậu cảnh. Hành động chính diễn ra trong trung cảnh sẽ che khuất các yếu tố hình ảnh trong vùng hậu cảnh. Vì vậy, giống như trong cuộc sống thực, khi các vật thể (tĩnh hoặc chuyển động) xuất hiện ở phía trước của nhau, nó cung cấp các tín hiệu cho não bộ của chúng ta thiết lập nên cảm giác về chiều sâu. 

Thứ hai, kích thước tương đối của một đối tượng đã biết cũng sẽ kích hoạt các tín hiệu về độ sâu. Ví dụ, bạn có thể quan sát một tòa nhà chọc trời trong một cảnh quay. Bởi vì các tòa nhà chọc trời mà ta đã biết đều là những tòa nhà rất cao, sẽ rất hợp lý nếu giả định rằng nó là những tòa nhà thực nằm ở vùng hậu cảnh tương đối xa camera. Tuy nhiên, nếu bạn đặt một mô hình thu nhỏ của những tòa nhà chọc trời ở phía xa đó, bạn cũng sẽ đạt được giả định hậu cảnh tương tự. Đó sẽ là kết quả của ảo ảnh quang học, trong đó tỷ lệ và phối cảnh đã đánh lừa thị giác và cảm giác về chiều sâu của não bộ.

Nguồn: Pixelman

Một dấu hiệu về độ sâu khác, thường được tìm thấy trong các cỡ cảnh rộng khi quay ngoại, là bầu không khí (hoặc khí quyển). 

Nếu bạn đã từng nhìn một con phố dài trong thành phố trong một ngày nắng nóng, hoặc đứng trên đỉnh một ngọn đồi nhìn chằm chằm về phía đường chân trời, bạn sẽ khó mà thấy một khung cảnh rõ ràng. Những sự vật, sự việc ở phía xa dường như bị che khuất bởi khói, bụi, mây và những hiện tượng thời tiết khác. 

Đây là kết quả của cái được gọi là khí quyển – sự hiện diện của các hạt lơ lửng trong không khí. Chúng thường là hơi nước, nhưng cũng có thể là khói từ ngọn lửa gần đó, bụi, phấn hoa, hoặc thậm chí các chất ô nhiễm. Khi bạn đứng trong bầu khí quyển này, bạn có thể không bị che khuất tầm nhìn ở khoảng gần, nhưng khi quan sát ở phạm vi xa rộng, hiệu ứng tích lũy của các hạt trong không khí khiến các vật thể ở xa bị che khuất. 

Nguồn: Torben Weit

Khi chúng ta ghi lại một cảnh quay trong một môi trường như vậy, người xem sẽ cảm nhận ngay được tín hiệu chiều sâu của khuôn hình. Đây cũng là lý do vì sao máy tạo sương mù, máy tạo khói thường được sử dụng trên phim trường. Các hiện tượng thời tiết như mưa, tuyết, gió, … cũng mang lại tín hiệu về chiều sâu cho khuôn hình đối với người xem.

Những tín hiệu tạo cảm giác chiều sâu này hiện được ứng dụng rất nhiều trong các dự án phim làm hoàn toàn trên công nghệ máy tính. Trong các xưởng VFX, có những bộ phận riêng chỉ để tạo background và atmospheric cho các dự án phim. 

Nguồn ảnh: FX Team
Nguồn ảnh: FX Team

Tạm kết

Đến đây, chúng ta có thêm một kỹ thuật nữa bổ sung vào bộ công cụ tạo mỹ thuật/nghệ thuật cho khuôn hình của mình. Việc hiểu rõ về 3 lớp cảnh trong một khung hình sẽ giúp cho nhà quay phim chủ động trong việc lựa chọn, sắp xếp và xây dựng bối cảnh sao cho đạt được hiệu quả chiều sâu tốt nhất cho mỗi khuôn hình trước khi bấm máy.

Hiểu rằng những hiệu ứng khí quyển (như mưa, bụi, hơi nước, hơi nóng, tuyết, …) có trong khuôn hình là những tín hiệu tạo ra cảm giác (ảo giác) về chiều sâu đến thị giác người xem, sẽ giúp nhà quay phim đưa ra những yêu cầu với đạo diễn/đạo diễn hình ảnh tạo ra nó khi on-set hoặc hậu kỳ để có hình ảnh đẹp nhất.

Và hãy luôn nhớ áp dụng những nguyên tắc về bố cục khuôn hình đã được chia sẻ trước đó trên iFilmmaking.net!