Ống kính camera – “con mắt” trong bố cục khuôn hình

Ở các phần trước, chúng ta đã được chia sẻ về cách bố cục khung hình, nhưng chủ yếu là xem xét nó qua ống ngắm (và màn hình hiển thị) để tạo ra cảm giác về chiều sâu cho hình ảnh. Trong phần này, chúng ta sẽ tập trung vào phần quan trọng nhất của thiết bị kể chuyện bằng hình ảnh – ống kính camera – trong việc tạo chiều sâu cho khuôn hình. 

Sẽ không có ngôn ngữ nào được kể (bằng hình ảnh) nếu không có ống kính camera để thu lại những hình ảnh đó. Ống kính chính là con mắt giúp thu lại những hình ảnh vào camera để chúng ta có thể nhìn thấy quay ống ngắm (hoặc màn hình hiển thị), và quyết định bố cục những hình ảnh đó như thế nào. 

Có rất nhiều loại ống kính và mỗi loại lại mang đến hiệu quả hình ảnh khác nhau. Để tìm hiểu về các loại lens cơ bản trong sản xuất video/film, bạn vui lòng xem lại bài viết về Lens – Ống kính đã từng được chia sẻ trên iFilmmaking.

Xin được nhắc lại, ống kính kiểm soát bốn khía cạnh chính của hình ảnh: (1) lượng ánh sáng chiếu tới mặt cảm biến hình ảnh; (2) góc nhìn (field of view); (3) độ nén quang học (optical compression) và (4) tiêu điểm/điểm tập trung (focus) của hình ảnh. 3 trong 4 khía cạnh ảnh hưởng đến bố cục khuôn hình: (2) cỡ cảnh, (3) và (4) quyết định đến chiều sâu. 

Prime lens – Ống kính một tiêu cự. Nguồn: Blain Brown (cinematography – theory and practice)

Độ nén quang học

Độ nén quang học là khái niệm để chỉ khoảng cách giữa các đối tượng nằm trong 3 lớp cảnh tiền-trung-hậu và mối liên hệ giữa chúng. Các ống kính có tiêu cự khác nhau sẽ tạo ra độ nén quang học khác nhau cho hình ảnh. 

Ống kính tele có độ nén quang học lớn, làm cho các đối tượng ở tiền cảnh và hậu cảnh trong hình ảnh thu được xuất hiện gần nhau hơn, tạo cảm giác đông đúc, chật chội, ngột ngạt. Các cảnh quay đường phố, khán giả trên sân vận động, đoàn người biểu tình, đội quân thường được tạo cảm giác đông đúc bằng cách sử dụng hiệu ứng nén quang học của ống tele.

Ống kính wide có độ nén quang học nhỏ, làm cho các đối tượng ở tiền cảnh và hậu cảnh xuất hiện xa nhau hơn so với thực tế, tạo cảm giác rộng rãi, xa cách, thoáng đãng. Các cảnh quay trong không gian chật, hoặc muốn một trường nhìn rộng thường được quay bằng ống kính góc rộng. Ống kính wide còn khiến cho hình ảnh bị kéo giãn, méo mó so với thực tế. Có thể sử dụng wide lens để thể hiện các cảnh quay hài hước, hoặc trạng thái tâm lý, tinh thần bất ổn (khi kết hợp với Dutch angle): bị say thuốc/rượu, bị choáng, …

Ống kính normal không có độ nén quang học, tạo ra cái nhìn gần gũi, chân thực cho hình ảnh như mắt chúng ta nhìn trong thực tế. Các cảnh quay không thể hiện ý đồ gì, hoặc chỉ đơn giản là thể hiện cái nhìn khách quan của người xem thường được quay bằng ống kính normal. Ống kính normal được dùng nhiều nhất trong quay video truyền hình.

Focus

Trong làm phim, focus là thuật ngữ dùng để chỉ việc tạo ra hình ảnh rõ nét ở những phần nhất định để tập trung sự chú ý của người xem vào đó. Trong các tài liệu về quay phim, chụp ảnh hiện nay, focus thường được dịch là tiêu điểm, điểm tập trung, điểm nét. 

Đôi mắt của chúng ta chỉ có thể tập trung vào một thứ tại một thời điểm. Khi chuyển điểm nhìn, mắt ngay lập tức thay đổi điểm focus. Giả thuyết về một focus hoàn toàn, mọi thứ đều nét là có thể đúng, nhưng trên thực tế, tại bất kỳ một thời điểm nào, ta chỉ có thể focus vào một mặt phẳng vật lý hoặc một khoảng cách nhất định tính từ mắt đến. 

Ống kính máy ảnh cũng hoạt động theo cách tương tự. Tại một thời điểm, nó chỉ có thể tạo ra điểm focus rõ ràng, sắc nét ở một khoảng cách tính từ camera. Điểm focus này được gọi là điểm lấy nét lõi (point of critical focus). Một vùng xung quanh điểm lấy nét tới hạn xuất hiện, mà ở đó hình ảnh vẫn chưa bị mờ, nó được gọi là độ sâu trường ảnh (DOF – depth of field) hay khoảng nét. Dựa vào các thông số kỹ thuật của ống kính, chúng ta có thể dự đoán được DOF của từng ống kính để thiết lập một cách sáng tạo những gì có thể được lấy nét trong khung hình của bạn.

Ở cùng tiêu cự và khoảng cách; ảnh trên ống kính mở rộng, có khoảng nét mỏng, chỉ quân bài K đỏ rõ nét; còn ảnh dưới ống kính mở ở f/11, có vẻ như nét toàn bộ, nhưng điểm nét lõi vẫn ở vị trí K đỏ. Nguồn: Blain Brown (cinematography – theory and practice)

Chịu trách nhiệm focus khi on-set là công việc của camop (camera operator) hoặc trợ lý quay phim (camera assistant). Song việc xác định cái gì là quan trọng cần được focus trong từng khuôn hình lại là công việc của đạo diễn hoặc DP.  

Một hình ảnh được xem là đạt kỹ thuật khi nó hội tụ đủ: đúng sáng (exposure), đúng focus và đúng màu. Bạn muốn tập trung sự chú ý của người xem vào điều gì, muốn khán giả xem điều gì, bạn hãy để điều đó xuất hiện rõ nét nhất trong khuôn hình. Khán giả sẽ luôn chú ý vào các đối tượng rõ nét. Bất kỳ thứ gì có thể làm xao nhãng, gây mất chú ý đều nên nằm ngoài vùng nét, và, nên được làm mờ đi (blur) trong khuôn hình.

Racking Focus vs Following Focus

Có một vài kỹ thuật liên quan đến focus mà chúng ta cần nắm được, để hướng sự chú ý của người xem vào trong cảnh quay của bạn. Đó là racking focus (đổi nét) và following focus (bám nét). 

Trong một cảnh quay có nhiều chủ thể ở các khoảng cách khác nhau so với camera, việc chuyển focus từ chủ thể này sang chủ thể khác trong khi quay được gọi là đổi nét hay racking focus. Nếu chuyển nét từ đối tượng ở xa camera về đối tượng ở gần camera hơn thì gọi là pulling focus, còn nếu chuyển ngược lại thì gọi pushing focus. 

Trong một cảnh quay có đối tượng di chuyển, mà ta phải luôn giữ cho đối tượng đó trong focus,  thì kỹ thuật này được gọi là theo nét hay bám nét (following focus).

Thực tế, cả hai kỹ thuật này đều được thực hiện dựa trên việc bạn thao tác để thay đổi DOF – độ sâu trường ảnh. Như chúng ta đã biết, ống kính có một điểm lấy nét lõi, mà ở đó focus là chính xác, hoàn hảo nhất. DOF là một vùng xung quanh điểm lấy nét lõi, mà ở đó, focus có vẻ nằm trong mức độ có thể chấp nhận được.

Độ sâu trường ảnh có thể mở lớn đến vô cùng hoặc thu nhỏ lại chỉ còn vài cm. Theo nguyên tắc chung, DOF là khoảng không một phần ba phía trước và hai phần ba phía sau mặt phẳng chứa tiêu điểm lõi.

Nguyên tắc chung khi xác đinh DOF. Nguồn: Roy Thomson.

DOF tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, gồm: tiêu cự ống kính (focal length), khẩu độ (aperture/iris), kích thước bộ cảm biến và khoảng cách từ camera tới đối tượng focus. Tất cả đều hoạt động cùng nhau để xác định DOF tổng thể. Để hiểu thêm về DOF, mời bạn xem lại bài Depth of Field.

Chúng ta hãy xem bảng dưới để thấy mối quan hệ của các yếu tố đối với DOF.

DOF lớn (sâu)DOF nhỏ (nông)
Focal LengthNgắn (góc rộng)Dài (góc hẹp)
Khoảng cách tới đối tượngXaGần
Khẩu độNhỏ Lớn

Theo đó, bạn sẽ có DOF lớn nhất khi bạn shoot trong điều kiện ánh sáng ngoại-ngày với ống kính có tiêu cự ngắn (wide lens); và có DOF nhỏ nhất với ống kính có tiêu cự dài (tele lens) trong điều kiện nội-đêm. 

Focus vs. blur

Mặc nhiên rằng, tất cả các cảnh quay đều nên có focus rõ ràng để tập trung người xem vào điều mình muốn thể hiện. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể có những cảnh quay không nét, bị làm mờ (blur), hoặc lúc nét lúc mờ để thể hiện trạng thái tâm lý nhân vật: tỉnh lại sau cơn hôn mê, bị choáng, bị say xỉn, …

Tạm kết

Rõ ràng, ống kính là thành phần không thể thiếu đối với việc tạo ra hình ảnh. Nó là con mắt của camera. Focus là yếu tố quan trọng nhất của ống kính trong bố cục khuôn hình. Nếu hình ảnh có bố cục theo tỉ lệ vàng, góc đẹp, đủ tiền-hậu cảnh, có đướng định hướng, … nhưng out focus thì hình ảnh đó cũng chỉ để vứt vào thùng rác.

DOF của mỗi loại ống kính là khác nhau, của mỗi nhà sản xuất cũng lại khác nhau. Nhà quay phim, CamOp hay AC phải tìm hiểu, tập thử thật kỹ với từng loại để có được những ước chừng về DOF cho mình trước khi on-set.


Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (0) in /home/haovuviet/public_html/wp-includes/functions.php on line 5109

Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (0) in /home/haovuviet/public_html/wp-content/plugins/really-simple-ssl/class-mixed-content-fixer.php on line 110