Tro tàn rực rỡ: hiểu đúng về “ống kính 35ly với tiêu cự 40mm”

Cả bộ phim chỉ được quay với một ống kính duy nhất

Hôm qua, trên fanpage của “Tro tàn rực rỡ” có chia sẻ thông tin thú vị về ống kính và máy quay được dùng để quay phim “Tro tàn rực rỡ”. Dưới đây là nguyên văn bài post:

Đạo diễn Hình ảnh Nguyễn K’Linh từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn, trong quá trình tiền kỳ, anh và Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã thảo luận với nhau rất nhiều để tìm cách thể hiện tốt nhất cho tác phẩm. Và sự lựa chọn cuối cùng là sử dụng khung hình 16:9 và toàn bộ phim được quay duy nhất bằng một ống kính 35ly với tiêu cự 40mm trên máy ARRI LF (medium format) để đem lại hiệu quả đặc biệt về chiều sâu trường ảnh (depth of field) thống nhất cho toàn bộ phim. Với những lựa chọn kỹ thuật này, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ anh muốn kiến tạo một không gian phim tôn vinh sự tĩnh lặng đến mức tuyệt đối, nơi mà một cái nhìn giữa hai nhân vật đang lặng im cũng có thể gợi nên xáo động trong lòng người xem.

(Link bài gốc)

Ngay khi đọc được bài viết, mình rất bị chú ý vào câu “ống kính 35ly với tiêu cự 40mm”. Bởi những hiểu biết hạn hẹp của mình về ống kính trong sản xuất video thì mình cho rằng nói “ống kính 35ly” có nghĩa 35ly là thông số kỹ thuật của ống kính – tương đương với “ống kính 35mm”. Mình cũng search Google từ khóa “ống kính 35ly với tiêu cự 40mm” mà không có kết quả nào phù hợp. Cho nên mình đã nghĩ câu viết này sai sai hoặc viết chưa rõ ý. Mình bèn comment phản hồi trên bài, cũng như chia sẻ trên group Filmmakers in Vietnam để tìm câu trả lời.

Cuối cùng mình cũng có được câu trả lời rất thuyết phục từ anh Bob Nguyen. Rất cảm ơn anh đã dành thời gian text rất dài chia sẻ những kiến thức quý giá của mình cho anh em newbie như em. Mình xin phép chia sẻ lại những gì mình hiểu.

Ống kính 35ly là gì?

Theo anh Bob Nguyen, “ống kính 35ly với tiêu cự 40mm” là “ống 40mm đó được thiết kế cho sensor/bản phim 35mm. Tức là có image circle đủ, dành riêng cho 35mm. Nhưng lại được ép sử dụng trên sensor của Arri LF. Đó là sự chủ ý, khuôn khổ chiếu nhỏ trên một cửa sổ lớn.” Như vậy, khi nói “ống kính 35ly” thì có nghĩa là ống kính được thiết kế riêng cho máy quay có sensor 35mm.

Anh còn chia sẻ thêm:

“Cái hay ở đây không phải là dùng lens 40mm không. Mà là sự o ép, sự vô lý, và sự không đúng lý thuyết lẫn kỹ thuật. Đối với máy quay, khi nói 35 ly nghĩa là sensor Super 35 – Arri Alexa (24×14) hoặc 35mm Academy (22×16). Còn Arri LF có kích thước là (35.7×15.3) gần tương tự như full frame (36×24) của nhiếp ảnh. Tuyệt nhiên chưa bao giờ từ ngữ của máy quay nhắc đến từ full frame cả. 35ly bên quay phim không có nghĩa là full frame. Khi lên cảm biến lớn “giống” full frame của nhiếp ảnh, họ gọi đó là LF.

Và cái 40mm kia chắc chắn không phải dùng được cho tất cả các máy Arri khác. Nó chỉ có thể sử dụng được cho máy nào dùng đúng kích cỡ sensor hoặc nhỏ hơn.

Việc sử dụng đúng loại lens cho sensor của máy là bình thường. Còn không bình thường ở đây là ép dùng lens thiết kế cho sensor nhỏ hơn trên bản sensor lớn hơn. Khi đó chúng ta không còn sử dụng phần tốt nhất của thấu kính là ở giữa tâm nữa, mà những phần rìa trần trụi sẽ lòi ra.”

(Chỗ này mình có search Google và đính chính lại: kích thước sensor của máy quay ARRI LF là 36.70 x 25.54 mm.)

Full-frame vs. Large Format/ Super 35/ 35mm Academy

Comment và bài đăng của mình nhận được rất nhiều phản hồi và thắc mắc từ nhiều anh em làm phim. Hầu hết các thảo luận đều xoay quanh tiêu cự của ống kính và kích thước của sensor máy quay. Thông qua các thảo luận, mình cũng nắm thêm được nhiều kiến thức hữu ích về kích thước sensor, xin chia sẻ lại như sau:

Kích thước sensor của máy ảnh hoặc máy ảnh có chức năng quay video được gọi bằng thuật ngữ Full-frame (36×24) và Crop (nhỏ hơn 36×24). Kích thước sensor lơn hơn 36×24 thì gọi là máy ảnh Medium Format. Các thuật ngữ này chỉ dùng trong lĩnh vực chụp ảnh.

Kích thước sensor của máy quay phim/video được gọi bằng thuật ngữ Super 35 (24×14), 35mm Academy (22×16) và Large Format (lớn hơn 24×14 và same Full-frame của sensor máy ảnh). Sensor của máy quay Arri LF có kích thước là 36.7 x 25.54 mm. Kích thước lớn hơn là Medium Format (43.8mm x 32.9mm). Các thuật ngữ này chỉ dùng bên điện ảnh. Kích thước sensor của Sony FX30 là 23.3 x 15.5 mm – tương đương với Super 35.

Dưới đây là nguyên văn comment chia sẻ của anh Bob Nguyen:

Có vài ý như vầy.

  1. Cái điều em hiểu và gọi là Large Format. Thực chất nó chỉ là full frame. Bên quay phim họ gọi như vậy thôi. Vì LF (35.7×25.3) khác với Full Frame (36×24) chỗ nào?
  2. Không hề có khái niệm điện ảnh nói cảm biến Full Frame quá nhỏ để quay!?! Làm gì có? Vì điện ảnh rất nhiều năm nay đều sử dụng cảm biến 35mm. Nó nhỏ hơn Full Frame 1.7 lần. Chứ không hề lớn hơn. Khi Arri LF ra đời sử dụng cảm biến gần bằng Full Frame. Họ gọi nó là Large Format. Large Format ở đây là cảm biến lớn so với máy quay 35mm bình thường thôi. Chứ so với Large Format 4×5 của nhiếp ảnh là một trời một vực.
  3. Arri không hề có hệ thống ống kính dùng chung hết cho tất cả các máy. Em phải hiểu là mỗi dòng thấu kính được chế tạo riêng cho từng dòng cảm biến (Full Frame, Super 35 ~ APSC, 16mm ~ Micro 4/3). Làm gì có chuyện ống kính dùng chung cho tất cả các thể loại máy. Có chăng thì là ống kính cover sensor lớn hơn, sẽ chắc chắn cover được sensor nhỏ hơn. NHƯNG KHÔNG NGƯỢC LẠI.
  4. Việc sử dụng ống kính cho cảm biến nhỏ trên cảm biến lớn là một ý đồ. Mỗi ống kính có một image circle riêng, nhưng hầu hết đều làm lớn hơn image circle cho phép khoảng 10-20%. Vậy khi vô tình một ống kính đặt trên một cảm biến lớn hơn có thể cover đủ hết sensor là một điều có chủ ý. Để sử dụng được phần không “ĐẸP” của ống kính trên màn ảnh. Còn việc lo các cơ quan kiểm duyệt cắt theo tỉ lệ là không đúng. Vì chẳng ai nghĩ đến chuyện đó để làm phim cả.
  5. Tóm lại nếu đúng sẽ phải sử dụng lens 40mm được thiết kế cho 35ly trên máy Arri vói sensor Super 35mm, nhưng anh KLinh thích dùng trên Sensor của Arri LF. Bài viết đúng đơn giản vậy rồi. Tự các bạn không đủ để hiểu rồi phân tích đúng sai. Nếu sai mà được như anh ấy, tôi chấp nhận sai cả đời này.”

Tổng kết

Cha ông ta có câu “Không biết phải hỏi – Muốn giỏi phải học”. Trên đây là những gì mình học được sau một câu hỏi không giấu ngu. Và mình tin là nhiều anh em ngoài ngành như mình cũng có được những bài học hữu ích nào đó qua câu hỏi ngu của mình.

Các bạn có thể xem trọn vẹn các comment trên tại hai bài viết:

TRO TÀN RỰC RỠ: CẢ BỘ PHIM CHỈ ĐƯỢC QUAY VỚI MỘT ỐNG KÍNH DUY NHẤT

Đọc câu “ống kính 35ly với tiêu cự 40mm” đã thấy nó sai sai.

Cảm ơn các bạn đã kiên nhẫn đọc và ủng hộ iFilmmaking!