Video color 101: Nhiệt độ màu – Cân bằng trắng
(iFilmmaking) Color trong sản xuất video là một phạm trù rất rộng, đi từ giai đoạn sản xuất (production) đến sản xuất hậu kì (post-production). Trong bài này, chúng ta sẽ đi tìm hiểu color trong giai đoạn sản xuất, mà cụ thể hơn là color trong cách làm việc của máy quay: hiểu vể nhiệt độ màu và cân bằng trắng. Vì lẽ đó, bài viết này phù hợp với những người làm việc trực tiếp với camera hơn. Những kiến thức sâu hơn xin được chia sẻ ở các bài viết khác tiếp theo sau.
Nhiệt độ màu (color temperature)
Như chúng ta đã biết, tất cả ánh sáng đều có màu. Tùy vào nguồn gốc của ánh sáng mà chúng sẽ có màu sắc khác nhau. Ví dụ, ánh sáng phát ra từ bóng đèn sợi đốt sẽ có màu vàng cam, còn ánh sáng tự nhiên ngoài trời sẽ thiên về màu lam nhiều hơn.
Ánh sáng vàng cam được gọi là ấm (warm), ánh sáng màu lam được gọi là lạnh (cool). Gọi như vậy là bởi chúng gợi lên cảm giác khác nhau về tâm lý (không phải cảm giác về vật lý) đối với người xem đúng như tên gọi của chúng, ánh sáng vàng cam đỏ thì gợi cảm giác ấm nóng, xanh lam lục thì tạo cảm giác mát lạnh.
Chất lượng màu sắc của ánh sáng được đánh giá bởi một thước đo có tên gọi là Kelvin (Kelvin scale). Chất lượng này được gọi là ‘nhiệt độ màu’ (color temperature), được đo bằng đơn vị có tên gọi là độ Kelvin (degrees Kevin) – viết tắt là K.
Trong nhiếp ảnh và làm phim nhựa, nhiệt độ màu được quy về hai định lượng chính với tên gọi là daylight (5600 K) và tungsten (3200 K). Daylight tương đương với cool còn tungsten thì tương đương warm.
Nhiệt độ màu của film lights và film stocks
Mắt con người có thể tự động điều chỉnh sự nhận biết theo màu sắc của ánh sáng, chúng ta gần như không nhận thấy các biến thể về màu sắc của ánh sáng, và luôn thấy mọi thứ có màu tự nhiên (neutral color). Nhưng các cuốn phim nhựa (film stocks) trong thời kì chưa có digital cinema thì không thể làm được điều đó, bởi chúng được tạo nên từ các hóa chất với các tỉ lệ, mật độ khác nhau để phù hợp riêng với từng loại ánh sáng khác nhau.
Nếu sử dụng phim nhựa để quay trong một bối cảnh có nhiều nguồn sáng khác nhau về nhiệt độ màu, ta sẽ thu được những hình ảnh bị sai màu. Mặt khác, trong thực tế lại tồn tại rất nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau (trong nhà, ngoài trời, đêm, ngày, sáng, trưa, chiều, nến, đèn sợi đốt, …), nên nếu sản xuất chừng ấy loại film stocks để phù hợp cho từng loại nhiệt độ màu sẽ tốn rất nhiều tiền bạc và công sức.
Do vậy, film stocks cũng được thiết kế và sản xuất theo tiêu chuẩn để phù hợp với hai chế độ ánh sáng là daylight và tungsten. Chúng được dán nhãn trên từng cuộn phim, chữ D cho ánh sáng daylight, chữ T cho ánh sáng tungsten.
Cùng với đó, đèn chiếu sáng dùng riêng cho việc làm phim (film lights) cũng được thiết kế để tạo ra nguồn sáng có nhiệt độ màu hoặc 3200 K (tungsten) hoặc 5600 K (daylight). Film lights khác với bóng đèn chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày (thường có nhiều nhiệt độ màu khác nhau) nên chúng thường có giá rất đắt.
Các nhà quay phim nhựa (cinematographer) thường phải xem xét rất cẩn thận về nhiệt độ màu của tất cả các đèn mà họ sử dụng trên phim trường. Họ phải đồng bộ nhiệt độ màu của tất cả các đèn về cùng với nhiệt độ màu của loại film stocks mà họ đã chọn để dùng cho bộ phim. Quá trình lựa chọn cho phù hợp này cũng là một cách cân bằng màu (color balance) cho hình ảnh phim mà họ sẽ thu được.
Cân bằng trắng (White balance)
Các màu trung tính (trắng, xám, đen) được chọn để làm màu mẫu trong các phương pháp cân bằng màu (nhiệt độ màu) cho camera. Máy quay phim nhựa sử dụng 1 tấm thẻ chứa 18% xám (18% gray card), máy quay video sử dụng thẻ có độ trắng 90% (90% white card). Do vậy mà quá trình cân bằng màu (color balance) còn được gọi là cân bằng xám (gray balance) hoặc cân bằng trắng (white balance).
Các máy quay video ngày nay được thiết kế với rất nhiều tùy chọn cho việc cân bằng trắng. Có thể kể đến: cân bằng trắng tự động (automatic white balance – AWB), cân trắng thủ công (manual white balance), cân bằng trắng cài đặt trước (WB presets) và cân bằng trắng theo thước Kelvin.
Trong sản xuất video,lựa chọn cân bằng trắng theo tùy chọn nào tùy vào từng bối cảnh hoặc tính chất của jobs. Vì liên quan đến cả đèn chiếu sáng, đôi khi nó còn phụ thuộc vào cả ngân sách và văn hóa của khách hàng nữa. Tuy nhiên, trong sản xuất phim chiếu rạp, người ta luôn thực hiện cân bằng trắng thủ công.
Tấm chuyển màu (Color gels)
Có một cách khác để thay đổi nhiệt độ màu của ánh sáng từ các đèn chiếu sáng là sử dụng kính lọc màu (hay tấm chuyển màu). Chúng được gọi là color gel, color filter hay lighting gel. Những tấm lọc này được thiết kế chắn trước đèn để làm tăng hoặc giảm nhiệt độ màu của nguồn sáng. Hai loại color gel thường dùng nhất là CTO và CTB.
CTO (color temperature orange) được thiết kế để chuyển đổi ánh sáng màu daylight (5600 K) thành ánh sáng màu tungsten (3200 K) còn CTB được thiết kế để chuyển đổi ánh sáng màu tungsten (3200 K) thành ánh sáng màu daylight (5600 K).
Tạm kết
Mỗi nguồn sáng đều có màu sắc khác nhau bởi chúng có nhiệt độ màu khác nhau. Nhiệt độ màu được đo bằng ‘độ Kelvin’ – viết tắt là K. Camera thì không thể tự điều chỉnh như mắt người để nhìn vật thể một cách neutral trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Chúng ta phải dùng các thủ pháp để giúp nó nhìn nhận màu neutral trong từng điều kiện ánh sáng, gọi là color balance/white balance/gray balance.
Nếu quay video dưới dạng clip ngắn với mục đích để lưu trữ hoặc dùng cho mạng xã hội, AWB trên smartphone, các DSLR’s camera luôn là lựa chọn tốt nhất. Nhưng nếu quay một sản phẩm có ý đồ nghệ thuật, có câu chuyện như phim ngắn, phim dài, phim điện ảnh thì nên sử dụng đèn chuyên dụng và cân bằng trắng thủ công để có được sự đồng bộ về màu sắc tốt nhất.
Nguồn tham khảo: Color balance, Color temperature, Color gel