Video 101: Frame Rate – Phần 2

High frame rate (HFR)

Ở phần 1 chúng ta đã biết: 24 fps là tốc độ khung hình chuẩn cho Cinema, còn 25 fps và 30 fps là tốc độ khung hình chuẩn cho truyền hình. Năm 2012, đạo diễn/nhà sản xuất phim người Mỹ, Peter Jackson đã cho quay loạt phim The Hobbit ở 3D sử dụng tốc độ khung hình là 48 fps. Nó có tốc độ gấp hai lần so với tốc độ chuẩn cinema và được gọi là tộc độ khung hình cao (HFR). 

Áp dụng HFR trong 3D của The Hobbit đã mang lại phản hồi tích cực ở những cảnh chuyển động, phản hồi tiêu cực ở những cảnh tĩnh vì nó cho cảm giác giống hình ảnh của truyền hình (48 fps là gần bằng frame rate 50i của tv).

Đến năm 2016, đạo diễn/nhà sản xuất phim người Đài Loan, Ang Lee đã sử dụng tốc độ 120 fps cho bộ phim Billy Lynn’s Long Halftime Walk. Năm 2019, ông tiếp tục sử dụng tốc độ khung hình 120 cho bộ phim Gemini Man của mình.

Nhiều nhà làm phim Hollywood xem HFR là một công cụ cho các dự án phim về sau.

Slow motion video

HFR được ứng dụng hiệu quả nhất trong các cảnh quay Slow Motion – chuyển động chậm. Nguyên lý của Slow Motion là quay video ở tốc độ khung hình cao (HFR) và xem lại ở tốc độ khung hình bình thường. Ví dụ, video được quay ở 50 fps và xem lại ở 25 fps thì hình ảnh sẽ hiển thị với tốc độ một nửa; Video quay ở 100 fps mà xem lại ở 25 fps thì hình ảnh sẽ chạy chỉ với ¼ tốc độ. 

Phantom Flex có thể ghi lại hình ảnh 4K ở tốc độ 1000 fps, nghĩa là sẽ tạo ra hình ảnh dường như bị chậm lại khoảng 40 lần. Ngay cả những điện thoại thông minh bán sẵn trên thị trường, chẳng hạn như Samsung S9 có thể quay ở tốc độ 960 fps cho chuyển động chậm (trong một loạt 0,2 giây). IPhone tiêu chuẩn của Apple có thể quay video 240 fps để phát lại ở tốc độ 30 fps dẫn đến video có vẻ chậm hơn 8 lần.

Fast motion video 

Fast motion cho hiệu ứng thị giác đối ngược với Slow motion. Fast motion được gọi là chụp ảnh ảnh tua nhanh thời gian (time-lapse photography), nghĩa là hình ảnh được chụp với tốc độ chậm mỗi giây/ mỗi phút một frame sau đó ghép lại dẫn đến hình ảnh video dường như đã được tăng tốc độ.

Frame rate không-chuẩn

Đôi khi các nhà quay phim sẽ quay ở tốc độ khung hình không chuẩn để đạt được các hiệu ứng cụ thể. Một kỹ thuật như vậy đã được sử dụng trong một số bộ phim hành động bom tấn hiện nay. Các nhà quay phim đã thử nghiệm ở rất nhiều tốc độ khung hình khác nhau, kết quả là họ đã có được kỹ thuật giúp cho các siêu anh hùng chuyển động nhanh hơn.

Trong Captain America: The Civil War, nhà quay phim và đạo diễn đã sử dụng một kỹ thuật mà họ sẽ quay những khoảnh khắc hành động nhất định ở tốc độ khung hình chậm hơn một chút, tức là khoảng 22 hoặc 23 fps. Khi xem lại ở 24 fps tiêu chuẩn, những hình ảnh đó dường như tăng tốc một chút. Không đủ để hình ảnh thu được gây chú ý quá mức, nhưng tạo thêm cảm nhận về tốc độ cho các nhân vật siêu anh hùng.

24 or 23,976

Đa số các máy ảnh số có tính năng quay video hiện nay cho phép quay ở 24 fps. Một số máy còn có tùy chọn quay ở tốc độ khung hình 23,976. Con số này rất gần với tốc độ khung hình 24, gần như không thể phát hiện ra sự khác biệt khi xem trên các phần mềm playback. Vậy sự khác biệt giữa chúng là gì?

Nguồn gốc của sự thay đổi nhỏ về tốc độ khung hình này được tạo ra để giải quyết vấn đề liên quan đến âm thanh không đồng bộ với hệ thống video NTSC khi phát tín hiệu truyền hình màu ở Mỹ. Về mặt kỹ thuật, hệ thống này chạy ở tốc độ 29,97 fps và 59,94i. Do vậy, để phát những bộ phim quay ở 24 fps lên truyền hình, người ta phải làm chậm tốc độ khung hình đi một chút như thế (4s cho một giờ) để có được sự đồng bộ giữa hình ảnh với âm thanh của phim đối với người xem truyền hình.

Sự khác biệt về mặt thẩm mỹ giữa hai tốc độ khung hình này là không đáng kể, nó gần như không tạo ra sự khác biệt về hình ảnh đối với người xem. Điều quan trọng là bạn nên chọn tốc độ khung hình nhất quán trong cùng một dự án.

Tốc độ khung hình trong Animation 

Trước đây, phim hoạt hình được vẽ hoàn toàn bằng tay, nên các nhà làm phim hoạt hình có xu hướng sử dụng tốc độ khung hình thấp nhất có thể để giảm thiểu số lượng bản vẽ phải vẽ. Thông thường, các bộ phim hoạt hình của Disney vẽ tay sử dụng tốc độ 12 khung hình/giây. Đây là tốc độ khung hình tối thiểu mà mắt người có thể cảm nhận được có sự chuyển động mượt mà. Tốc độ 12 fps này hiện đang được áp dụng trong phim Stop Motion.

Ngày nay, hầu hết các phim hoạt hình máy tính có thể được hiển thị ở bất kỳ tốc độ khung hình nào mà các nhà làm phim mong muốn (thời gian render là yếu tố duy nhất cần cân nhắc). Nhưng thông thường, chúng được hiển thị ở tốc độ 24 khung hình/giây giống như với các phim điện ảnh chiếu rạp.

Nguồn tham khảo:


Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (0) in /home/haovuviet/public_html/wp-includes/functions.php on line 5109

Notice: ob_end_flush(): failed to send buffer of zlib output compression (0) in /home/haovuviet/public_html/wp-content/plugins/really-simple-ssl/class-mixed-content-fixer.php on line 110