Video 101: Depth of Field

(iFilmmaking) Trong 3 bài viết trước lần lượt về exposure, film grainmotion blur, các bạn đã phần nào nắm được các cạnh của tam giác exposure, cũng như hiểu được ngoài kiểm soát exposure, ISO còn kiểm soát grain, shutter speed kiểm soát motion blur của hình ảnh, để giúp hình ảnh có được chất film nhựa. Trong bài viết này, iFilmmaking sẽ cùng các bạn tìm hiểu cạnh còn lại – apeture/iris – sẽ kiểm soát độ sâu trường ảnh (DOF).

Depth of Field là gì?

Độ sâu trường ảnh, thường được viết tắt DOF, là một khái niệm quan trọng trong nhiếp ảnh và làm phim, dùng để chỉ số lượng hình ảnh được lấy nét (khoảng nét) trong một bức ảnh hoặc cảnh quay. Tùy thuộc vào cách bạn đặt camera, bạn có thể tạo ra một hình ảnh trong đó mọi thứ đều được lấy nét sắc nét (DOF sâu/dày) hoặc chỉ có một dải rất hẹp được lấy nét, với tiền cảnh và hậu cảnh không được lấy nét (DOF nông/mỏng).

DOF nông/hẹp được sử dụng hiệu quả nhất trong các bộ phim nhựa. Nó hỗ trợ kể chuyện bằng cách thu hút sự chú ý của khán giả vào các yếu tố cụ thể trong khung hình, để làm cho chủ thể nổi bật so với hậu cảnh và tiền cảnh. Do đó, DOF nông cũng được xem là một yếu tố tạo nên chất filmic cho hình ảnh video. Các nhà làm phim số luôn cố gắng kiểm soát DOF nông hoặc sâu tốt nhất để kể chuyện bằng hình ảnh.

Có 4 yếu tố quyết định đến DOF bao gồm: kích thước của bộ cảm biến (sensor size), khẩu độ (apeture/iris), tiêu cự ống kính (focal length) và khoảng cách từ camera đến đối tượng/vật thể được ghi hình. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ đi sâu vào những yếu tố liên quan đến camera (bao gồm cả ống kính), trong việc ảnh hưởng đến DOF.

Sensor size

Có một nguyên tắc chung là kích thước vật lý của cảm biến ảnh càng lớn thì càng dễ đạt được DOF nông. Máy quay phim nhựa Super 35 có kích thước vùng phơi sáng cho phim là 24,89mm x 14mm. Kích thước cảm biến trên các máy quay video số (camcorder) trước những năm 2008 là 4,8mm x 3,6mm (⅓ inch). Kích thước cảm biến của ASP-C là 22,3mm x 12,5mm. Rất khó đạt được DOF nông khi sử dụng cảm biến ⅓ inch hoặc các máy DSLR có cảm biến ASP-C. 

Đó là lý do tại sao cuộc cách mạng làm phim DSLR đã diễn ra vào khoảng thời gian 2008 – 2012. Rất nhiều camera DSLR có kích thước cảm biến 36mm × 20,3mm (full frame) – lớn hơn cả kích thước vùng exposed trên máy quay phim Super 35mm – được sử dụng để quay video. Điều này khiến cho việc đạt được DOF nông trên một máy ảnh DSLR full-frame thậm chí còn dễ hơn cả trên một máy quay phim nhựa.

Các nhà sản xuất camera (cả DSLR lẫn cinema) hiện nay luôn cố gắng phát triển và cho ra các đời máy quay với kích thước bộ cảm biến lớn bằng hoặc hơn phim super 35mm. Máy quay MONSTRO của RED hiện có kích thước sensor lên đến 40,96mm x 21,60mm. 

Aperture/Iris

Nhân tố thứ hai kiểm soát DOF là khẩu độ (aperture/iris). Nếu không có camera với sensor size rộng thì bạn có thể sử dụng khẩu độ để control và đạt được DOF nông. Nguyên tắc chung là khẩu độ càng mở rộng thì DOF càng nông. Ngược lại, khẩu độ càng nhỏ thì DOF càng sâu. Hình dưới đây minh họa cho mỗi liên hệ giữa aperture/iris với DOF.

Cần lưu ý rằng số sau f/ càng nhỏ thì khẩu độ mở càng rộng, số sau f/ càng lớn thì độ mở càng hẹp. Ống kính mở rộng nhất từng được sản xuất là Carl Zeiss Planar 50mm, khẩu độ mở lên đến f/0,7. Ống kính này được NASA sử dụng để chụp ảnh không gian và cũng được Stanley Kubrick sử dụng trong bộ phim Barry Lyndon của ông. Kubrick đã sử dụng những ống kính rất rộng này để quay những đoạn cảnh dưới ánh nến.

Focal Length

Nhân tố thứ ba ảnh hưởng đến DOF là tiêu cự của ống kính (focal length). Ống kính có tiêu cự càng ngắn (ống kính góc rộng), độ sâu trường càng sâu; ống kính có tiêu cự càng dài (ống kính góc hẹp), độ sâu trường ảnh càng nông. 

Khoảng cách với đối tượng

Yếu tố cuối cùng quyết định DOF là khoảng cách từ vị trí đặt camera đến vị trí đối tượng/vật thể được quay. Khoảng cách càng gần thì thì DOF càng nông, hậu cảnh sẽ mờ và mất nét. Khoảng cách càng xa thì DOF càng sâu, toàn bộ bức ảnh đều sắc nét.  

Tam giác exposure vs. filmic 

Nếu đã đọc hai bài trước trên iFilmmaking là film grain và motion blur, cùng với bài này, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng 3 cạnh của tam giác exposure không chỉ quyết định exposure của hình ảnh video, mà còn quyết định cả những yếu tố tạo nên chất filmic cho hình ảnh video đó. ISO tạo film grain khi để ở native ISO (thường là ISO thấp nhất). Shutter speed tạo motion blur ở 1/48 khi quay ở 24 fps. 

Như vậy, nếu cài đặt quay với mục đích tạo chất điện ảnh cho video, chúng ta sẽ fix ISO và shutter speed. Yếu tố duy nhất của tam giác exposure mà chúng ta có thể thay đổi tùy ý để kiểm soát expossure là khẩu độ. Và khẩu độ cũng kiểm soát độ sâu trường ảnh. Sẽ phải làm gì nếu chúng ta muốn có hình ảnh DOF nông trong một bối cảnh là ngoại ngày trời nắng, không noise, có motion blur? Trong trường hợp này, để hình ảnh có exposure đúng ISO sẽ là 100, shutter speed là 1/48 và khẩu độ sẽ là f/8. Ở f/8 thì rất khó để có DOF nông. Muốn có được độ sâu trường ảnh nông thì buộc chúng ta phải mở khẩu độ ra ở f2.8 hoặc hơn. Khi đó hình ảnh sẽ lốp/lóa (overexposure) vì thừa sáng. Chúng ta phải làm gì bây giờ?

Câu trả lời dùng kính lọc ND (neutral density filter). Kính lọc ND có thể được coi như kính râm cho camera. Nó làm giảm cường độ ánh sáng ở một số stops mà không làm thay đổi màu sắc của hình ảnh. Có rất nhiều loại và cỡ ND khác nhau, có sẵn trên camera, gắn ngoài lens,… Trên các máy quay chuyên dụng nó thường được thiết kế để đặt trong matte box. Dưới đây là bảng phân loại kính lọc ND và số stop tương ứng.

Nguồn tham khảo:

Depth of field: https://en.wikipedia.org/wiki/Depth_of_field

ND filter: https://en.wikipedia.org/wiki/Neutral-density_filter

DOF video: https://www.youtube.com/watch?v=RDXLGOo-fyc