Sản xuất trên phim trường gồm những ai?

(iFilmmaking) Quá trình sản xuất trên phim trường có diễn ra trơn tru hay không phụ thuộc vào sự hợp tác làm việc của rất nhiều các bộ phận liên quan. Có thể có sự xuất hiện của các thành viên trong bộ phận tiền kỳ (ví dụ producer, scriptwritter) hoặc hậu kỳ (ví dụ editor, colorist), nhưng thành phần chính vẫn luôn luôn gồm: chỉ đạo diễn xuất (direction), máy quay (camera), âm thanh (sound) và mỹ thuật (art). Chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm hiểu công việc của từng bộ phận.  

Tổ chỉ đạo diễn (direction department)

Director (Đạo diễn)

Trên phim trường, đạo diễn vẫn là người kiểm soát mọi hoạt động của đoàn làm phim. Họ làm việc với các diễn viên trước máy quay để đảm bảo các màn trình diễn gắn kết và thể hiện đúng với mong muốn của họ. Một đạo diễn giỏi là người vừa có thể làm việc tốt với diễn viên vừa có thể thảo luận một cách thông minh các khía cạnh kỹ thuật với đạo diễn hình ảnh (DP), nhóm hiệu ứng đặc biệt (Special FX), bộ phận ánh sáng, và các kỹ thuật viên khác trên trường quay.

Assistant directors (AD) Trợ lí đạo diễn

Với các dự án nhỏ (quảng cáo truyền hình kinh phí thấp, video công ty, v.v.), bạn có thể không cần trợ lý đạo diễn. Nhưng với những dự án lớn hơn, các trợ lý đạo diễn sẽ giúp ích rất nhiều cho đoàn làm phim.

AD thứ nhất (1st AD) thường làm việc với đạo diễn để điều hành phim trường. Người này đảm bảo rằng ánh sáng và âm thanh được dàn dựng phù hợp, diễn viên và toàn bộ đoàn đã sẵn sàng để bấm máy, đồng thời im lặng và chăm chú khi máy đã bấm REC. 1st AD chính là người thường được ủy quyền hô các câu lệnh cho khi sản xuất như “Action!” để bắt đầu một cảnh quay hay “Cut!” khi cảnh quay kết thúc. 

AD thứ hai (2nd AD) làm việc trên trường quay để đảm bảo các bộ phận phụ trách kỹ thuật đã ở vị trí thích hợp, các diễn viên cho cảnh quay đã ở đúng vị trí, và những người không liên quan phải bị loại bỏ trước khi máy chạy. Người này cũng chịu trách nhiệm liên lạc và đảm bảo rằng bộ đàm hai chiều được phân phối đúng cách và điều chỉnh đến các kênh thích hợp. Đôi khi, họ trau dồi kỹ năng đạo diễn của mình bằng cách biên đạo những thứ cần làm để hậu cảnh trông thật tự nhiên.

AD thứ ba (3rt AD) thường hoạt động bên ngoài trường quay. Các trách nhiệm ở đây bao gồm hộ tống các diễn viên ra vào phim trường cũng như ra vào phòng hóa trang, kiểm soát các phương tiện công cộng hoặc giao thông đường bộ có thể ảnh hưởng đến cảnh quay, v.v. Trợ lý thứ ba cũng đảm bảo không có tiếng ồn quá mức có thể làm hỏng đến việc thu âm của tổ âm thanh.

Nguồn: Cinema Friends

Production Assistant (PA) Trợ lí sản xuất

Người này chịu trách nhiệm về những việc vặt cho đạo diễn. Người này cũng theo dõi lịch trình quay và các cảnh quay đã thực hiện, đồng thời cũng giúp chia nhỏ kịch bản thành các cảnh quay riêng lẻ. Trong khả năng này, PA thường được biết đến như là trợ lý kịch bản. 

Continuity Person/Script Supervisor

Continuity Person chịu trách nhiệm theo dõi những cảnh đã quay để đảm bảo tính nhất quán về từ ngữ, hành động, đạo cụ và trang phục được sử dụng từ cảnh quay này sang cảnh quay khác. Nếu bạn đã từng thấy trang phục của diễn viên thay đổi theo cách nào đó từ cảnh này sang cảnh khác trong một cảnh quay liên tục, hoặc mái tóc bù xù đột nhiên trở nên gọn gàng trong cảnh quay tiếp theo, thì lỗi liên tục đã được tạo ra. Continuity Person có trách nhiệm không để điều này xảy ra (hoặc xảy ra ở mức tối thiểu.) Công việc này còn được gọi là người giám sát kịch bản (Scripts Supervisor).

Tổ camera (camera department)

Director of photography (DOP/DP)

Đạo diễn hình hay cinematographer (nhà quay phim) là người quan trọng thứ hai trên phim trường, sau đạo diễn. DP là người đứng đầu bộ phận camera. Trong các dự án nhỏ, DP sẽ kiêm luôn cả việc vận hành máy quay. DP chịu trách nhiệm cho đầu ra cuối cùng của quá trình sản xuất trên phim trường. Nói đơn giản, thành quả của DP là tạo ra các footage theo đúng kịch bản, được lưu trên ổ cứng.

DOP phải cộng tác chặt chẽ với đạo diễn và đưa ra mọi quyết định về camera, ống kính, ánh sáng, các thiết bị hỗ trợ quay, cũng như các chuyển động của máy quay. Sau đó truyền tải nó cho người vận hành camera để họ thực hiện đúng những yêu cầu, mong muốn của mình.

DOP cũng chịu trách nhiệm Thiết kế ánh sáng của trường quay, bao gồm các vị trí đèn, loại bóng đèn, độ khuếch tán, màu ánh sáng, … DOP hiếm khi đặt đèn. Đó là công việc của gaffer và các grips.

Camera operator (người vận hành camera)

Đối với các dự án nhỏ hoặc kinh phí thấp, DP có thể kiêm luôn việc vận hành camera. Với các dự án lớn thì DP sẽ không vận hành máy quay. Đó là công việc thuộc về một người khác, gọi là quay phim thứ hai hoặc người vận hành camera (Camera Operator hay CamOp). Camop là bước đệm quan trọng cho bất cứ ai muốn trở thành một DP.

CamOp chịu trách nhiệm về mọi khía cạnh của việc xử lý camera, nghĩa là quyết định vị trí đặt máy (phối hợp với đạo diễn), kiểm soát bố cục khung hình và tất cả các chuyển động của máy như panning, tilting, dollying, trucking, zooming, … Hỗ trợ CamOp là những phụ quay (assisant camera.)

Nguồn: The Black and Blue

Digital Imaging Technician (DIT)

DIT chịu trách nhiệm duy trì quy trình làm việc kỹ thuật số suôn sẻ trên phim trường, giám sát chất lượng hình ảnh và quản lý file video và âm thanh (cũng như backup) trong quá trình quay. Khi quay ở định dạng RAW hoặc Log, DIT sẽ áp monitor LUT để kiểm tra chất lượng hình ảnh ở chế độ bình thường (REC709).

Một dự án phức tạp hơn, DIT sẽ sử dụng phần mềm chỉnh màu (như DaVinci Resolve) tại hiện trường để tạo các clip mẫu đã chỉnh màu cho từng thiết lập ánh sáng để xác định toàn bộ các khả năng về màu của hình ảnh đó. Một DIT tài năng thường trở thành “cánh tay phải” về sáng tạo cho DP và đạo diễn trong việc phát triển các LUT tùy chỉnh (custom LUTs) sẽ theo các footage từ khâu sản xuất đến khâu hậu kỳ (post-pro).

Đối với các dự án có kinh phí thấp, hoặc các dự án quay ở Rec.709, công việc của DIT là quản lý, sao lưu và kiểm soát chất lượng file. Trong trường hợp này, DIT thường được gọi là Media Management hoặc Data Wrangler.

Assisant Camera (AC) | Phụ quay/Trợ lý camera

Thông thường, các dự án lớn sẽ có từ 2 đến 3 phụ quay.

Phụ quay thứ nhất (1st AC) ở bên cạnh máy, chịu trách nhiệm giữ cho máy và ống kính ở điều kiện làm việc tốt nhất. 1st AC cũng nhập tất cả các cài đặt của máy: định dạng, ISO, tốc độ khung hình, picture profile, cân bằng trắng, v.v. 1st AC cũng hỗ trợ CamOp vận hành camera trong các cảnh quay có chuyển động camera phức tạp (ví dụ chỉnh nét (pull focus) theo đánh dấu của CamOp). Họ cũng phụ trách chuẩn bị thẻ nhớ/thiết bị lưu, thay đổi thẻ/thiết bị lưu khi cần thiết, dán nhãn và bảo quản thẻ đã quay, đồng thời ghi lại thông tin về những cảnh quay trên từng thẻ. 

Phụ quay thứ hai (2nd AC) còn được gọi là clapper. Có trách nhiệm điền thông tin lên tấm plate và giữ nó trước ống kính máy ở đầu mỗi cảnh quay. Những thông tin này sẽ được dùng để thiết lập việc đồng bộ hóa cho máy quay và máy ghi âm trong công việc hậu kỳ. 2nd AC cũng sẽ phụ trách việc di chuyển máy đến vị trí mới trong phim trường, dọn dẹp, đóng gói, bảo quản máy trong quá trình thay đổi địa điểm.

Nếu có phụ quay thứ ba, đó thường sẽ là một thực tập sinh, người có thể được giao bất kỳ nhiệm vụ nào mà những người khác thường không phải làm, chẳng hạn như quét dọn thùng máy hoặc lau chùi chân máy.

Nguồn: Kim Garland

Gaffer/Best Boy/Grips

Gaffer là người chịu trách nhiệm về giàn đèn và xử lý bất cứ thứ gì cần cố định, lắp, di chuyển, đẩy, nâng hoặc hạ. Gaffers phải hiểu các nguyên tắc cơ học và điện học, và có thể ứng biến bất cứ điều gì cần thiết ngay cả khi không có sẵn thiết bị chuyên dụng. Một gaffer giỏi phải nắm được ý định đằng sau các hướng dẫn chiếu sáng của DP, họ hiểu các công cụ chiếu sáng và thậm chí cả nguyên tắc và cách thực hành của bản thân ánh sáng. 

Best Boy ban đầu là trợ lý của gaffer và do đó là người chỉ huy thứ hai trong tổ chiếu sáng/điện. Ngày nay, có thể có một vị trí best boy trong nhiều bộ phận khác, và vì vậy thuật ngữ này còn có nghĩa là “chỉ huy thứ hai”.

Grips là những người trực tiếp lắp đặt, thay đổi đèn và thiết bị hỗ trợ máy quay (boom, dolly, …) theo yêu cầu của gaffer. Không chỉ cần sức khỏe, grips cũng phải thành thạo về cơ-điện. Grips chia thành từng nhóm theo nhiệm vụ. Các nhóm grips liên quan đến camera cũng có nhiệm vụ di chuyển các thiết bị hỗ trợ máy quay (dolly, cần cẩu, xe tải, …) cùng với AC.

Bởi vì công việc liên quan đến việc di chuyển, tháo lắp của hầu hết các thiết bị liên quan đến sản xuất tại hiện trường, nên đòi hỏi sự cẩn thận, tháo vát và kiên nhẫn ở Gaffer/Best Boy/Grips. Họ sẽ là những người đầu tiên có mặt để set-up. Trong khi họ làm việc, các tổ khác sẽ phải đợi; trong các tổ đạo diễn và tổ quay làm việc, họ sẽ đợi. Và khi tất cả tổ đã xong việc, thì họ sẽ là những người cuối cùng ở lại để thu dọn.

Tổ âm thanh | Sound recordist

Công việc của người ghi âm là chọn micrô và thiết bị ghi âm phù hợp để ghi lại âm thanh tại chỗ tốt nhất có thể (hội thoại và âm thanh xung quanh). Ngoài ra, họ cũng phải lựa chọn các vị trí đặt thiết bị ghi âm để nó không bị nhìn thấy khi lên hình mà vẫn ghi được chất lượng âm thanh tốt nhất. 

Người ghi âm không lắng nghe ý nghĩa của cuộc đối thoại mà là chất lượng âm thanh, vì vậy họ phải có khả năng nghe phân tích và nghe thấy bất kỳ tiếng vo ve, tiếng ầm ầm hoặc tiếng xoáy nào mà những người không quen biết vô thức sàng lọc ra. Không có đánh giá độc lập nào có thể thực hiện được ngoài đôi tai sáng suốt, và chỉ có sở thích âm nhạc và tốt hơn nữa, việc đào tạo âm nhạc dường như truyền khả năng này cho các nhà ghi âm.

Sound recordist chịu trách nhiệm thiết lập thiết bị âm thanh, giám sát mức độ và chất lượng, và giải quyết các vấn đề khi chúng phát sinh; đảm bảo âm thanh thu được rõ ràng, sạch sẽ và nhất quán. Với các cảnh quay cần thu âm hội thoại, Sound Recordist sẽ có thêm một người hỗ trợ để vận hành boom – boom operator. Công việc của người điều khiển boom là giữ cho micrô càng gần nguồn âm thanh càng tốt mà không làm cho micrô lọt vào cảnh quay hoặc tạo bóng trong cảnh quay.

Nguồn: Lopez Sound

Tổ mỹ thuật | Production designer

Nhà thiết kế sản xuất là người chịu trách nhiệm về thẩm mỹ tổng thể cho bộ phim. Production designer mang đến cho người xem cảm giác về không gian, khoảng thời gian, vị trí cốt truyện, vẻ bề ngoài có ảnh hưởng đến tính cách của các nhân vật. Hiểu đơn giản là giám sát các đạo cụ và trang phục, cũng như thiết kế tất cả các khía cạnh của bối cảnh và địa điểm của phim trường. Ví dụ nếu kịch bản phim là cổ trang, nhà thiết kế sản xuất sẽ nghiên cứu thời đại và phong tục xã hội của nó để đảm bảo rằng nhà cửa, đường xá, trang phục, đạo cụ và trang trí phải đúng với thời đại đó.

Với các dự án kinh phí thấp, đôi khi production designer sẽ kiêm luôn các công việc của art director. Do vậy, production designer thường bị nhầm lẫn với art director (giám đốc nghệ thuật). Trên thực tế hai vị trí này có vai trò hoàn toàn khác biệt. Các nhà thiết kế sản xuất quyết định concept hình ảnh và giải quyết nhiều công việc hậu cần như lập kế hoạch, deadline, ngân sách và nhân sự cho thiết kế. Trong khi đó, Art Director quản lý quá trình tạo nên concept, được thực hiện cùng với  concept artists, graphic designers, set designers, costume designers, lighting designers, … hoặc giám sát các chuyên gia xây dựng (thợ mộc, thợ thạch cao, họa sĩ, thợ điện và thợ đẽo) trong khi thi công.

Những thành viên khác thuộc tổ mỹ thuật, nằm dưới sự quản lý của production designer, bao gồm: phục trang, hóa trang, đạo cụ, trang điểm, làm tóc.

Nguồn: New York Film Academy

Talent and extras

Tatlen là thuật ngữ được dùng để chỉ các diễn viên. Đôi khi talent là những người có tài năng đặc biệt như phóng viên truyền hình, ảo thuật gia, vũ công, v.v., được đóng bởi các phóng viên, ảo thuật gia và vũ công thực tế để các diễn viên không cần phải được đào tạo về những kỹ năng đặc biệt này.

Extras là thuật ngữ để chỉ diễn viên quần chúng, họ là những người ngoài cuộc có mặt trên phim trường để làm cho một cảnh quay giống như thật. Họ khác các talent ở chỗ họ thường không có lời thoại hoặc bất kỳ hành động đặc biệt gây chú ý nào. Họ chỉ là đám đông.


Tùy mức độ lớn nhỏ của dự án phim mà đội ngũ những người tham gia vào khâu sản xuất trên phim trường có thể thêm hoặc bớt một vài vị trí phụ trợ. Nhưng về cơ bản, một đoàn làm phim khi on set sẽ gồm những người tham gia bên trên. Xin mượn infographic từ trang NoFilmSchool dưới đây để khéo lại bài viết này.

Nguồn: No Film School

Nguồn tham khảo