Cách đọc và hiểu SCOPEs

(iFilmmaking) Ở những bài chia sẻ trước đó về exposure, chúng ta đã biết tam giác exposure kiểm soát lượng ánh sáng đi qua ống kính vào bộ cảm biến để tạo nên hình ảnh video. Vậy làm sao để biết được hình ảnh hiển thị trên màn hình preview là đã đúng exposure hay chưa? Làm sao để biết hình ảnh có bị mất chi tiết ở một vùng nào đó trên khuôn hình hay không? Bài viết này sẽ chia sẻ những công cụ thường gặp nhất dùng để đánh giá exposure trong giai đoạn sản xuất.

Đồng hồ đo sáng bên ngoài

Đồng hồ đo sáng ngoài là một thiết bị được dùng trong lúc sản xuất, nó được thiết kế nhỏ gọn có thể cầm trên tay. Đặc điểm nhận biết là nó thường có một nửa quả cầu màu trắng trông như bóng golf ở trên mặt của nó. 

Đồng hồ đo sáng được sử dụng với hai mục đích:

Thứ nhất, nó là công cụ để đo cường độ ánh sáng tại một điểm nhất định. Nó giúp xác định được tỉ lệ tương phản mức độ sáng (bright) của phần tối (shadow) với phần sáng hơn (midtone) hoặc với phần sáng nhất (highlight) của một hình ảnh. Nói cách khác, nó giúp xác định dynamic range của hình ảnh ngay từ sản xuất tiền kỳ.

Thứ hai, nó cũng là một máy tính để tính toán các thông số trên tam giác exposure. Ví dụ, nếu ta nhập thông tin số cho ISO và shutter speed, đồng hồ đo sáng sẽ tự động tính toán ra thông số f-stop của aperture/iris tương ứng để hình ảnh có được exposure tốt nhất.

Đồng hồ đo sáng bên trong

Tất cả các camera kỹ thuật số (có chế độ exposure tự động) đều có đồng hồ đo sáng bên trong. Khi đặt ở chế độ tự động, camera sử dụng đồng hồ đo sáng bên trong để cố gắng giữ cho hình ảnh quay được exposure đúng cách. 

Đồng hồ đo sáng bên trong có thể đo ánh sáng tại một điểm cụ thể, hoặc một nhóm điểm, hoặc có thể đo mức độ ánh sáng trung bình trên toàn bộ hình ảnh. Nó thường ưu tiên đo vùng sáng nhất, vùng chiếm diện diện nhiều nhất trong khuôn hình để tính toán mức độ trung bình.

IRE

IRE là một đơn vị đo lường trong tín hiệu video. IRE là viết tắt của Institute of Radio Engineers, tên của tổ chức đã phát minh ra thước đo này. Thang đo IRE chạy từ 0 đến 100:

  • 0 = một hình ảnh video hoàn toàn đen. Hoàn toàn thiếu sáng.
  • 100 = một hình ảnh video hoàn toàn trắng. Hoàn toàn thừa sáng.

Tất cả mọi thứ mà camera kỹ thuật số ghi/chụp phải nằm trong các giá trị IRE này. Những giá trị thấp hơn hoặc cao hơn giới hạn “0-100” của IRE được gọi là “clipped”. Bất kỳ hình ảnh nào được gọi là clipped thì đều không thể nhìn thấy chi tiết và cũng không thể dùng các công cụ hậu kỳ để phục hồi lại được. 

Thước IRE thường được đặt trong các công cụ check exposure

Histogram

Histogram là một công cụ đo exposure thường có trên hầu hết các máy DSLR hiện nay. Biểu đổ histogram tái hiện lại các phần tối nhất (darkest), sáng trung bình (middle) và sáng nhất (brightest) của một hình ảnh. 

Phần tối nhất của hình ảnh nằm ở phía bên trái của biểu đồ; phần sáng nhất của hình ảnh nằm ở phía bên phải của biểu đồ. Biểu đồ histogram thường thấy nhất là luma histogram hiển thị với màu trắng trên nền đen. Luma histogram đo mức độ sáng tổng thể của hình ảnh. Ngoài ra cũng có biểu đồ histogram riêng biệt cho từng kênh màu đỏ, xanh lục và xanh lam.

Khi exposure lấy histogram làm thước đo, bạn nên điều chỉnh làm sao để phần đen nằm trong biểu đồ, không tăng lên hai bên. Nếu phần thân (màu trắng) của biểu đồ dốc lên phía bên trái thì hình ảnh bị thiếu sáng. Nếu phần thân của biểu đồ dốc lên phía bên phải thì hình ảnh bị thừa sáng. Khi biểu đồ trải đều từ trái qua phải và không có phần nào chạm vào hai bên là hình ảnh đang chuẩn exposure.

Nếu bạn không thể điều chỉnh để nó không chạm vào một bên hoặc các bên khác thì có khả năng dynamic range của camera không đủ rộng để thu được toàn bộ dải (total range) của hình ảnh đó.

Waveform

Waveform là một công cụ check exposure có trên một số máy quay và một số màn hình gắn ngoài. Waveform diễn giải exposure của hình ảnh từ trái sang phải. Phần bên trái của waveform tương ứng với exposure bên trái của hình ảnh. Phần bên phải của waveform tương ứng với exposure bên phải của hình ảnh. Phần giữa của waveform tương ứng với exposure phần giữa của hình ảnh.

Waveform hiển thị mức độ sáng trong giá trị từ 0 đến 100:

  • 100 nằm ở trên cùng của waveform và hoàn toàn bị thừa sáng.
  • 0 nằm ở dưới cùng của waveform và hoàn toàn thiếu sáng.

Waveform hiển thị tín hiệu cho các kênh màu đỏ, xanh lục và xanh lam của hình ảnh cùng nhau. Một số dạng sóng chỉ hiển thị luma cho hình ảnh tổng thể.

Màn hình dạng sóng là công cụ phơi sáng chính xác và hữu ích nhất vì nó hiển thị rõ ràng những gì đang xảy ra với tông màu trong mọi phần của hình ảnh. Đây là lý do vì sao các nhà làm phim chọn waveform để làm công cụ đo exposure.

RGB parade

RGB parade là một công cụ cân bằng độ sáng và màu sắc có trên một số máy quay và một số màn hình gắn ngoài. Nó có thể được hiểu theo cách rất giống với dạng sóng, ngoại trừ ở đây các kênh màu RGB được trích xuất và đặt cạnh nhau.

Điều này có thể hữu ích để không chỉ đánh giá độ phơi sáng của từng kênh mà còn có thể giúp xác định sự mất cân bằng màu sắc. Nếu một kênh lớn hơn nhiều so với các kênh khác, có thể là cân bằng trắng cần thay đổi. Nó cũng có thể là có rất nhiều màu sắc đó trong khung hình. Ví dụ, một tấm cỏ ở kênh xanh sẽ cao hơn nhiều so với những tấm khác. Nền hoàn toàn trắng sẽ hiển thị các mức bằng nhau của từng kênh trong số ba kênh. Do đó, các thuật ngữ cân bằng trắng.

Zebra

Chức năng zebra (sọc vằn) là một công cụ check exposure thường thấy trên máy quay video mà ngày nay ít được sử dụng. Chức năng này hoạt động bằng cách đặt một mô hình sọc đen trắng lên các phần nhất định của hình ảnh tùy vào việc cài đặt zebra của người dùng. Hình zebra cho biết mức độ exposure và chỉ hiển thị trên màn hình LCD mà không ghi vào hình ảnh video quay được.

Zebra hoạt động theo cách tương tự như của waveform và IRE, nó cũng được đo theo thước từ 0-100:

  • 100+ = thừa sáng, hoàn toàn trắng.
  • 80–99 = sáng nhưng không đến mức thừa.
  • 70–79 = exposure đẹp nhất, không quá tối, cũng như không gần với mức sáng..
  • 1–69 = thiếu sáng.
  • 0 = hoàn toàn đen.

Trong một cảnh quay, sẽ luôn có một chủ thể chính mà chúng ta muốn nó hiển thị đẹp nhất. Chủ thể thường là một người, nhưng có thể là bất cứ thứ gì: một bông hoa, một tòa nhà, một đồ vật. Chúng ta có thể sử dụng zebra để kiểm soát chủ thể được exposure tốt nhất bằng cách sau.

Đặt zebra ở 70-80, sau đó điều chỉnh tam giác exposure đến khi nào bạn nhìn thấy sọc vằn xuất hiện trên những phần sáng nhất của chủ thể của khuôn hình, như vậy là hình ảnh đang ở mức exposure tốt nhất. Với hình ảnh là con người, phần sáng nhất thường nằm trên trán, sống mũi hoặc một nơi khác gần nguồn sáng nhất.

False color

False color là một công cụ đánh giá về mức độ sáng của các vùng khác nhau trong một hình ảnh. Thường có trên các monitor gắn ngoài khi on-set.

Sử dụng thang đo IRE từ 0 đến 100, chúng ta có thể thấy rõ mức độ sáng của từng phần khác nhau bằng các màu khác nhau.

False color và thang IRE tương ứng giúp xác định chính xác độ tương quan giữa các phần trong một cảnh.
Điều này rất hữu ích nếu ta muốn đảm bảo rằng một khuôn mặt sáng hơn phần nền, hoặc giúp ta đánh sáng một bên của khuôn mặt sáng gấp đôi so với bên còn lại.

False color

Hình minh họa trên là màn hình hiển thị của false color. Chúng ta có thể thấy rằng phần sáng nhất trên khuôn mặt của nhân vật nằm trong khoảng 84–93 IRE và phần tối hơn trên khuôn mặt của cô ấy là khoảng 54–58 IRE.
Đây là một công cụ rất hữu ích để giúp kiểm soát mức độ chiếu sáng cho hình ảnh trong quay phim.

False color là một công cụ rất hữu ích để giúp kiểm soát mức độ chiếu sáng cho hình ảnh trong quay phim. Hiện cũng đã có plugin False color hỗ trợ hậu kỳ trên Davinci Resolve, được phát triển bởi Time in Pixels!].

Vectorscope

Nếu như các công cụ đã đề cập ở trên giúp kiểm tra exposure của hình ảnh thì vectorscope là một công cụ để kiểm tra màu sắc ghi được trên hình ảnh. Vectorscope có trên một số monitor gắn ngoài. Nó hiển thị các màu đã record được ghi trong một hình ảnh và mức độ bão hòa của từng màu đó.

Vectorcope có hình tròn, đại diện cho bánh xe màu. Màu sắc thay đổi theo mô hình bánh xe màu xung quanh phạm vi hình tròn: red, magenta, blue, cyan, green, yellow.

Khoảng cách với tâm thể hiện độ bão hòa của màu sắc. Càng gần tâm càng có ít độ bão hòa, ở giữa tâm là không có màu sắc cho hình ảnh.

Vectorscope

Tạm kết

Khi sản xuất trên phim trường, luôn luôn sử dụng các công cụ đo exposure để hỗ trợ check chất lượng hình ảnh khi quay. Tuyệt đối không được đánh giá chất lượng hình ảnh bằng mắt thường hoặc trên màn hình preview cỡ nhỏ. Chúng ta sẽ còn quay lại việc check exposure và màu bằng các công cụ này ở phần hậu kỳ, đặc biệt là chỉnh màu.