Bố cục khuôn hình: Đường ngang, đường nghiêng, đường chéo

Chiều sâu khuôn hình

Một yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến thẩm mỹ của hình ảnh video là làm sao để tạo ra cảm giác về chiều không gian thứ 3 – chiều sâu – đến thị giác người xem. 

Có nhiều cách để tạo ra chiều sâu trong bố cục khung hình video: các đường thằng (chân trời, nghiêng, đường chéo), tiền/hậu cảnh, kích thước đối tượng, sử dụng ống kính rộng hoặc dài, focus, màu sắc và ánh sáng.

Chúng ta sẽ lần lượt đi tìm hiểu từng cách, bắt đầu từ những đường ngang, nghiêng và chép. 

Đường ngang/đường chân trời (Horizon Line)

Ở các bài trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về các cách bố cục khung hình với người. Giờ hãy nghĩ đến bố cục khung hình không có con người (hoặc con người chỉ là nhân tố phụ trong khung hình) trong các cảnh toàn rộng hoặc rất rộng (XLS).

Tùy thuộc vào bối cảnh và vị trí đặt camera, hình ảnh thu được một trường nhìn rộng lớn của khung cảnh trước ống kính: mặt đất, bầu trời, những thứ trên trời (mây, chim, mặt trời, …) và những thứ dưới đất (xe, người, ghế, …). Khi này, sẽ có một đường nằm ngang phân chia bầu trời với mặt đất thành hai phần trên dưới, nó được gọi là đường chân trời (horizon line). 

Dễ hình dung nhất cho đường chân trời là một cảnh quay ngoài mặt biển. Mặt nước biển chính là horion line. Đối với các cảnh nội, horizon line chính là cạnh dưới của tường phía sau nhân vật. 

Đường chân trời là thứ giữ người xem bị khóa trong mối quan hệ không gian có thể biết được với không gian phim. Nói cách khác, nó là cơ sở để giữ cho chúng có được sự định hướng lên / xuống và trái / phải rõ ràng. 

Nguyên tắc là luôn giữ cho đường chân trời trong khuôn hình của bạn thẳng hàng với (song song với) cạnh trên và dưới của khung hình video. Điều này tương đối dễ thực hiện bằng mắt khi bạn đang quay một dự án ở ngoại cảnh.

Horizon Line: Đường chân trời/đường ngang. Nguồn: Roy Thompson

Hình trên cho thấy một khung hình bị cắt trực tiếp làm đôi theo chiều dọc – đường chân trời chia đôi khung phân cách từ trên xuống dưới. Đường chân trời có thể được đặt ở bất cứ nơi nào trên khung mà bạn thấy phù hợp. Vị trí horizon line sẽ cho phép bạn làm nổi bật phần nào nhiều hơn, phần nào là chính (bầu trời hay mặt đất) trong khuôn hình. 

Nếu lia dọc máy xuống, chúng ta sẽ đẩy đường chân trời trong khung hình lên. Khi này mặt đất/nước là phần chính mà ta muốn thể hiện.

Đường chân trời nằm phía trên. Nguồn: Roy Thompson

Nếu lia dọc máy lên, chúng ta sẽ đẩy đường chân trời trong khung hình xuống. Khi này bầu trời, mây, mặt trời, núi, … là phần chính mà ta muốn thể hiện.

Đường chân trời nằm phía dưới. Nguồn: Roy Thompson

Thông thường, người ta đặt đường chân trời tuân theo quy tắc một phần ba, vì đây là một vị trí dễ chịu đối với thị giác của đa số người xem.

Đường nghiêng (Dutch Angle)

Thông thường, ta luôn giữ cho đường chân trời của mình song song với cạnh trên/dưới khung hình ổn định, để đảm bảo sự ổn định về không gian cho khán giả. Xoay nghiêng đường chân trời sẽ khiến các đường thẳng đứng trong khung hình cũng bị nghiêng (bất kỳ tòa nhà cao tầng, cây cối, khung cửa, …  sẽ trông bị nghiêng). Khi các đường ngang và dọc đi lệch nhau, nó sẽ gây ra cảm giác bất an và hơi mất phương hướng cho khán giả. Nếu không cố ý thực hiện điều này, thì bạn sẽ khiến mọi người nhầm lẫn.

Trong trường hợp thực hiện có chủ đích, bạn đã tạo ra cái được gọi là góc kiểu Hà Lan (Dutch Angle), góc nghiêng kiểu Hà Lan (Dutch tilt) hay góc xiên. Khi muốn thể hiện trạng thái một nhân vật bị ốm, bị say, bị đánh thuốc hoặc khi một tình huống “không ổn”, bấp bênh, bạn có thể chọn Dutch Angle để tạo ra đường chân trời nghiêng bất thường này. Sự mất cân bằng sẽ khiến người xem cảm thấy nhân vật hoặc môi trường thực sự không ổn định như thế nào. 

Đường nghiêng (Dutch Angle). Nguồn: Roy Thompson

Đường chéo (Diagonal Lines)

Đường chân trời và đường nghiêng chỉ giúp cố định không gian cho người xem, tạo ra thẩm mỹ về bố cục dựa trên khung hai chiều ngang và đứng, nhưng nó không tạo ra chiều sâu. Điều quan trong khi quay một cảnh thiết lập không gian là tạo ra cảm giác về chiều sâu vật lý trong hình ảnh quay được.

Để giúp đạt được mục tiêu này, bạn có thể sử dụng một thủ thuật cũ được gọi là điểm biến mất (vanishing point). Ví dụ, chúng ta có thể đặt camera ở trung tâm của một đường cao tốc hai làn xe trải dài thẳng tới tận chân trời. Chiều rộng của con đường nhất quán nên các đường thể hiện các cạnh và đường kẻ đứt phân làn là song song với nhau. Tuy nhiên, khi được quan sát ở một khoảng cách lớn, các đường này dường như ngày càng gần nhau hơn cho đến khi chúng hợp nhất tại một điểm. Nơi mà 3 đường này hợp nhất với nhau tại đường chân trời được gọi là điểm biến mất (vanishing point).

Điểm biến mất (vanishing point). Nguồn: Roy Thompson

Tất nhiên, đây là một ảo giác. Điều quan trọng cần nhận ra ở đây là các đường chéo mang lại ảo giác về chiều sâu cho khung hình. Vì vậy, bất cứ khi nào bạn có thể sử dụng các đường chéo trong bố cục của mình (một con đường, một hành lang, một dòng người đang chờ xe buýt), bạn đang tạo ra ấn tượng về không gian ba chiều trên khung phim hai chiều.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải luôn sử dụng các đường chéo. Đúng là đường chéo có thể tạo ra chiều sâu, nhưng nếu mục tiêu của bạn là tạo ra một hình ảnh không có chiều sâu thì sao? Bạn muốn nhân vật của mình xuất hiện trong một không gian phẳng, giống như dựa vào tường – phản ánh ý nghĩa ẩn ý và logic tâm lý của câu chuyện – cô ấy bị mắc kẹt hoặc cô ấy không có khả năng di chuyển theo hướng động tại thời điểm này của câu chuyện.

Người bị đóng khung vào một bức tường phẳng. Nguồn: Roy Thompson

Để đạt được cảnh quay trong Hình 3.8, máy ảnh phải được đặt ở độ cao của diễn viên và vuông góc với bức tường. Khung này, phẳng trên tường, không có cảm giác thực sự về chiều sâu. Toàn bộ góc trực diện khi hoạt động chỉ hiển thị một số đường ngang trên tường. Người đó được bao bọc bởi môi trường và chỉ có thể di chuyển sang trái hoặc phải hoặc có khả năng về phía máy ảnh. Trong trường hợp này, việc không có chiều sâu cảm nhận sẽ làm tăng thêm trạng thái tinh thần hoặc cảm xúc của nhân vật. Bố cục của cảnh quay nhấn mạnh trạng thái của nhân vật được ghi trong đó.

Một chút thay đổi góc máy ngang sẽ tạo ra một hình ảnh khác với ý nghĩa khác. Nó cho thấy cùng một người phụ nữ ở phía trước của cùng một bức tường, nhưng bây giờ một đường chéo tồn tại, cũng như một đường chân trời xa xôi. Với khung hình được mở theo cách này, nhân vật có nhiều tùy chọn hơn để di chuyển – trái, phải, gần hoặc xa.

Độ sâu được tạo ra bởi vì giờ đây chúng ta có thể nhìn ra thế giới dọc theo những đường chéo đó kéo mắt người xem ra khỏi nhân vật chính và đi vào không gian sâu thẳm của thế giới điện ảnh – ảo ảnh về chiều không gian thứ ba được tạo ra trên khung phim phẳng.

Đổi góc máy, sử dụng đường chéo để tạo chiều sâu cho khuôn hình. Nguồn: Roy Thompson

Tạm kết về sử dụng ĐƯỜNG trong bố cục

Những đường nét luôn định hướng sự chú ý của người xem một cách vô thức. Ngoài nhiệm vụ chính giúp người xem xác định không gian, đường nét kết hợp với nhau còn tạo ra chiều không gian thứ 3 – chiều sâu – cho hình ảnh video.

Đường nét cũng chia khung hình thành những phần khác nhau, khi được kết hợp với ánh sáng, màu sắc sẽ tạo ra những mảng miếng ấn tượng và có ngôn ngữ riêng của nó.

Những biến thể của đường nét như đường uốn lượn, đường khúc khuỷu, đường vòng cung, đường tròn cũng có chức năng tương tự.

Xem thêm các ví dụ về sử dụng đường nét trong bố cục tại: Bố cục ấn tượng trong phim