Video 201: Ánh sáng trong bố cục khuôn hình

Ánh sáng là một chủ đề rất rộng lớn trong quay phim. Tìm hiểu và sử dụng ánh sáng hiệu quả là một quá trình suốt đời. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số vấn đề cơ bản của ánh sáng. 

Không có ánh sáng thì sẽ chẳng có bộ phim nào được thực hiện. Không chỉ là một yếu tố quan trọng về mặt kỹ thuật để tạo nên hình ảnh, anh sáng là công cụ sáng tạo mạnh mẽ nhất trong các công cụ làm phim. Anh sáng tạo ra hiệu quả về hình ảnh ở các khía cạnh: tạo ra cảm giác về chiều sâu trong khung hình 2D; tạo ra cảm giác buồn, hạnh phúc, sợ hãi, … ; làm nổi bật hoặc che khuất các chủ thể quan trọng hơn trong một cảnh. 

Ánh sáng có thể tạo nên thành công cho một cảnh quay hoặc giết chết cảnh quay đó.

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng những thuật ngữ về các thuộc tính của ánh sáng và những tác động của nó lên khuôn hình.

Nhiệt độ màu

Nhiệt độ màu của ánh sáng được đo theo thang độ Kelvin, giúp chúng ta hiểu ánh sáng có màu sắc. Nhiệt độ màu mà chúng ta thường thấy nhất trong quay phim là 3200 (ánh sáng đèn sợi đốt) và 5600 (ánh sáng tự nhiên). Nhiệt độ màu còn mang lại cảm giác vật lý cho người xem: nóng, ấm, mát, lạnh. Chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về nhiệt độ màu ở các bài viết về màu trong phần hậu kỳ sau.

Nhiệt độ màu đo theo thang Kelvin.

Cường độ: mạnh và yếu 

Cường độ là thuộc tính dễ hiểu nhất của ánh sáng. Đó là độ sáng của ánh sáng. Độ sáng phát ra từ một nguồn ánh sáng được đo bằng lumen. Trên bóng đèn gia dụng thường có ghi rõ số lumen trên mỗi watt và có ghi chú nó có thể chiếu sáng trong phạm vi bán kính bao nhiêu mét vuông. Lumens giúp chúng ta xác định hiệu quả của một thiết bị chiếu sáng.

Người ta sử dụng đồng hồ đo ánh sáng để đo cường độ ánh sáng trên một đối tượng. Chúng ta có thể điều chỉnh và điều khiển cường độ ánh sáng phát ra từ thiết bị chiếu sáng theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ: để nguồn sáng ra xa đối tượng để làm giảm cường độ, giảm dòng điện để giảm công suất lumen, đặt một tấm chắn kim loại phía trước thiết bị chiếu sáng để điều hướng cũng như làm giảm cường độ, …

Hiểu về cường độ sẽ giúp chúng ta quyết định số lượng, vị trí và cường độ của từng đèn trong một cảnh quay cụ thể. Nó là yếu tố chính để xác định tỉ lệ tương phản của một cảnh.

Ảnh trên chỉ có một nguồn sáng, hình ảnh trông khá phẳng. Ảnh dưới có nhiều ánh sáng, hình ảnh có chiều sâu hơn. Nguồn: @Blain Brown

Chất lượng: cứng và mềm

Chất lượng ánh sáng là nói đến độ cứng (hard) hay mềm (soft) của nó. Ánh sáng cứng hay mềm không phải nói về cường độ mạnh hay yếu mà là nói đến vùng bóng mà nó tạo ra khi chiếu vào vật thể.

Ánh sáng “cứng” là ánh sáng có chùm tia song song tạo ra bóng rõ ràng, riêng biệt. Ánh sáng “mềm” là ánh sáng khuếch tán, tạo ra một bóng mờ mờ ảo, không rõ ràng. 

Ánh sáng cứng là ánh sáng tập trung, ánh sáng mềm là ánh sáng khuếch tán. Chúng ta có thể biến bất cứ ánh sáng cứng nào thành ánh sáng mềm bằng cách khuếch tán nó qua filter, hoặc dội nó vào các bức tường, trần nhà.

Ánh sáng ngoài trời trong một ngày nắng không có mây là ánh sáng cứng, đứng dưới nắng bạn sẽ thấy bóng của mình rõ nét như thế nào. Nếu mặt trời bị mây che, ánh sáng mà chúng ta có là mềm, bóng của bạn sẽ mờ hoặc không rõ ràng (tùy thuộc vào mây dày hay mỏng).

Ánh sáng cứng thường gây ra bóng ở các vùng lõm trên mặt như hốc mắt, hõm mũi, … nó làm nổi bật các nếp nhăn và khuyết điểm trên da. Ánh sáng cứng tạo ra hiệu quả hình ảnh đáng sợ, nguy hiểm, khắc nghiệt hoặc bí ẩn khi được sử dụng trong các điện ảnh.

Ánh sáng mềm ít gây ra bóng ở các vùng hõm. Thực tế, nó phân tán đều và lấp đầy những hõm này. Do đó, nó tạo ra một cái nhìn nịnh mắt trên khuôn mặt của con người. Nó giúp làm mờ các nếp nhăn và các vết thâm. Ánh sáng mềm cũng mang lại cảm giác ấm áp, thân thiện hoặc lãng mạn khi được sử dụng trong điện ảnh.

Ảnh trên là chiếu bằng hard light, da nhân vật trông thô ráp. Ảnh dưới chiếu bằng soft light, da nhân vật trông mịn hơn. Nguồn: @Blain Brown

Độ tương phản

Độ tương phản của ánh sáng trong một khuôn hình có nghĩa là sự khác biệt tương đối giữa vùng sáng và vùng tối trong khuôn hình đó. Hình ảnh có độ tương phản cao là hình ảnh chứa đồng thời các vùng rất sáng và các vùng rất tối, sự phân định giữa các vùng là rất rõ ràng. Ngược lại, một hình ảnh có độ tương phản thấp chứa các mức độ ánh sáng đồng đều hơn trên toàn bộ khuôn hình, không phân định được các vùng một cách rõ ràng.

Người ta dùng tỉ lệ tương phản (contrast ratio) để đo độ tương phản của hình ảnh. Thông thường, chúng ta luôn cố gắng để hình ảnh có độ tương phản cân bằng (hay trung bình) trong khung hình. Tỉ lệ tương phản này nằm trong khoảng từ 2:1 đến 4:1.

Tỉ lệ tương phản từ 8:1 trở lên được gọi là độ tương phản cao. Độ tương phản cao sẽ tạo ra hình ảnh ấn tượng hơn, tập trung hơn và mang lại chiều sâu hơn cho khung hình. Sự tác động lẫn nhau của vùng sáng và vùng tối qua tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh tạo ra hiệu ứng phân lớp trong không gian vật lý sâu sắc. Chiếu sáng để có độ tương phản cao được gọi là chiếu sáng low-key, thường sử dụng nhiều trong điện ảnh. 

Tỉ lệ tương phản nhỏ hơn 2:1 được gọi là độ tương phản thấp. Độ tương phản thấp sẽ làm cho hình ảnh đồng đều hơn và “sáng hơn”, nhưng cũng khiến khung hình phẳng hơn – không có chiều sâu. Người xem có thể nhìn thấy tất cả các phần trong khung hình. Chiếu sáng để có độ tương phản này được gọi là chiếu sáng high-key, thường sử dụng trong các chương trình truyền hình: talkshow, tin tức và hài kịch; hoặc quảng cáo thời trang / làm đẹp, wedding.

Low-key lighting vs. high-key lighting. Nguồn: Roy Thomson

Đánh sáng nhân vật cơ bản: Phương pháp ba điểm

Chiếu sáng 3 điểm (Three-point lighting) là phương pháp chiếu sáng căn bản nhất trong sử dụng ánh sáng nhân tạo cho làm phim. Đây là sự kết hợp sáng tạo trong việc sử dụng cả ánh sáng cứng lẫn ánh sáng mềm cho cùng một đối tượng, để tạo ra chiều sâu cho bố cục khuôn hình. 

Ba điểm chiếu sáng đó được gọi là: Key, Fill và Back.

KEY – Key light là nguồn sáng đầu tiên mà bạn phải nhớ đến có khi xây dựng sơ đồ chiếu sáng của mình. Đúng như tên gọi, Key light là đèn cung cấp ánh sáng chính cho phim trường, không có nó sẽ không thể đủ ánh sáng để shooting. Key light được đặt ở bên trái hoặc bên phải camera, một góc 45° theo trục của ống kính camera hướng đến chủ thể; và cao hơn đầu của chủ thể một góc 45°.

FILL – Fill light là nguồn sáng được sử dụng để giúp kiểm soát độ tương phản trên mặt chủ thể. Nó giúp lấp đầy các bóng tối mà Key light tạo ra. Fill light được đặt ở phía đối diện với Key light, qua trục từ camera đến chủ thể. Lượng sáng của Fill light thường bằng 1/2 của Key light. 

BACK – Back light còn được gọi là ánh sáng viền, chiếu vào chủ thể từ phía sau, giúp tách biệt chủ thể với hậu cảnh, tạo cảm giác về chiều sâu cho khuôn hình. Back light được đặt đối diện với Key light qua chủ thể. Lượng sáng của Back light thường bằng 1/5 của Key light.

Three-point lighting. Nguồn DK New Media.

Nắm được phương pháp chiếu sáng cơn bản này rồi, bạn có thể tùy biến đề chiếu sáng tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, bối cảnh cũng như thiết bị và ý tưởng của mình. Bạn có thể thêm một nguồn sáng để chiếu vào hậu cảnh – phương pháp four-point lighting, hoặc chỉ cần 1 Key light thôi. 

Một số thuật ngữ khác

Ngoài các thuật ngữ Hard light, Soft light, Key light, Fill light và Back light mà chúng ta đã biết ở trên, người ta còn sử dụng nhiều thuật ngữ chiếu sáng khác trong làm phim. Dưới đây là những thuật ngữ thông dụng nhất mà bạn cần phải nắm được.

Front light: Là chiếu ánh sáng trực diện vào chủ thể, vị trí nguồn sáng cùng góc cùng phía với ống kính camera tới chủ thể (giống như ánh sáng từ đèn flash trên máy ảnh). Front light khiến mặt chủ thể không có bóng và không tạo ra chiều sâu, nên hãy tránh sử dụng front light trong quay phim.

Sidelight: Là chiếu sáng vào một bên chủ thể, tạo một góc 90° so với camera. Thường gây ấn tượng mạnh vì nó tạo ra sự tương phản lớn giữa hai bên của chủ thể.

Kicker: Kicker là chiếu sáng từ phía sau chủ thể (nhưng không đối diện với camera), để làm sáng một phần của chủ thể: vai, cổ, quai hàm. Kicker khác với Back light – thường bao phủ toàn bộ phía sau, tạo viền cho chủ thể.

Topper/top light: Là chiếu sáng trực tiếp từ trên cao. Topper chỉ làm nổi bật mũi của chủ thể và tạo ra rất nhiều bóng đen trên hốc mắt, miệng, cổ của chủ thể. Ta thường thấy cách chiếu sáng này khi hỏi cung tội phạm.

Under light: Là chiếu ánh sáng từ phía dưới lên mặt chủ thể. Kết quả của việc thiếu ánh sáng này, cấu trúc của khuôn mặt người có vẻ ngoài đáng sợ hoặc ma quái và do đó, thường được sử dụng trong các bộ phim kinh dị. 

Silhouette: Nếu chỉ chiếu sáng phông nền hậu cảnh và để khuôn mặt chủ thể trong bóng tối (không có ánh sáng lấp đầy), ta sẽ tạo ra cái được gọi là hiệu ứng bóng (silhouette effect).

Các ví dụ về front, side, kicker, topper, under và silhouette trong chiếu sáng. Nguồn: Roy Thomson

Bounce light: Là ánh sáng bị phản xạ khỏi thứ gì đó – tường, trần nhà, bề mặt trắng hoặc trung tính, lụa hoặc bất cứ thứ gì khác; thường để làm cho ánh sáng dịu hơn.

Ánh sáng trên mặt người đàn ông là phản chiếu từ tờ giấy trắng. Nguồn: @Blain Brown

Upstage/downstage: Được sử dụng khi chiếu sáng cảnh hội thoại. Upstage là chiếu sáng một phần mặt của chủ thể ở phía đối diện với camera. Downstage là chiếu cùng phía với key light và camera. 

Ảnh trên là upstage – ánh sáng chiếu bên má phải, phía đối diện với camera. Ảnh dưới là downstage – ảnh sáng chiếu má trái, cùng phía với camera. Nguồn: @Blain Brown

Ambient light: Thuật ngữ ambient có hai ý nghĩa. Tại bối cảnh, nó có nghĩa là thứ ánh sáng “chỉ ở đó” – nói chung là một loại ánh sáng tổng thể, dịu nhẹ trong bối cảnh. Khi chiếu sáng trong studio hoặc trên một địa điểm, nó có nghĩa là một phần bổ sung tổng thể được thêm vào, thường là các nguồn ánh sáng mềm lớn chiếu từ trên cao xuống. Available light cũng có ý nghĩa tương tự – nhưng dùng cho các bối cảnh bên ngoài.

Ambient light được tạo ra từ hộp mềm thủ công. Nguồn: @Blain Brown

Motivated lighting: Là chiếu sáng dựa trên các nguồn sáng thực có thể có sẵn trên bối cảnh. Đèn bàn, đèn trần, TV nhấp nháy, đèn lồng, … hay mặt trời đều là những nguồn sáng chính trong một bối cảnh. Tuy nhiên lượng sáng của chúng không đủ nên ta phải dựa vào vị trí, màu sắc của chúng để thiết lập đèn chiếu sáng bổ sung cho hợp lý.

Ánh sáng chiếu vào nhân vật sẽ được hiểu là từ chiếc đàn chụp. Thực tế ta dựa vào đèn chụp để chiếu sáng cho ra hiệu quả này.
Nguồn: @Blain Brown

Practicals light: Bất kỳ vật cố định nào trong phim trường phát ra ánh sáng, ảnh hưởng tới việc phơi sáng và thiết kế ánh sáng tổng thể được gọi là practical. Các loại đèn practical thường không đủ sáng để tạo ra mức độ phơi sáng tốt, nên chúng thường là đèn nhấn để thu hút thị giác xung quanh phim trường, hoặc làm nguồn sáng cơ sở cho motivated lighting.

Những bóng đèn có sẵn trong khung hình này là Practical Light.

Tạm kết

Như đã nói ở phần đâu, ánh sáng là một chủ đề mà bạn sẽ học cả đời, trên mỗi cảnh quay cụ thể mà bạn sẽ thực hiện. Bài viết này chỉ đề cập đến những thứ căn bản nhất của ánh sáng ảnh hướng đến bố cục khuôn hình, đến cách mà bạn có thể sử dụng ánh sáng để tạo cảm giác chiều sâu đến người xem về khuôn hình của bạn. Bằng ánh sáng, bạn có thể tạo ra chiều sâu bằng cách:

  • Tránh sử dụng ánh sáng trực diện – front lighting.
  • Sử dụng back light, kicker và background light để làm nổi chủ thể, tách chủ thể khỏi hậu cảnh.
  • Sử dụng tỉ lệ tương phản một cách hợp lý cho từng cảnh quay phục vụ đúng ý đồ của mình.

Với kiến thức căn bản mà bạn đã có qua bài này, giờ, bằng các từ khóa mà bài này đã cung cấp, bạn hãy google để hiểu biết thêm về các thuật ngữ về ánh sáng – qua những video giải thích, hướng dẫn.